BỆNH ĐỘNG MẠCH NGOẠI BIÊN: TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, do các mảng xơ vữa và huyết khối (Các động mạch đó không bao gồm mạch máu nuôi tim và não). Nguyên nhân chính gây bệnh lý động mạch ngoại biên là hẹp tắc do mảng xơ vữa. Lòng mạch bị hẹp lại do lắng đọng mỡ và các chất khác trên thành mạch. Những chất lắng đọng này tạo nên mảng bám vào lớp nội mạc thành mạch tạo thành mảng xơ vữa, các mảng này phát triển dần gây hẹp và có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng chảy trong lòng mạch. Bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên, bạn cũng có thể làm giảm nguy có cho nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

1. Triệu chứng bệnh động mạch ngoại biên

Quá trình xơ mỡ xảy ra ở động mạch ngoại biên cũng tương tự như ở động mạch vành: các hạt mỡ xâm nhập gây thương tổn thành mạch và hình thành mảng xơ mỡ. Lòng mạch sẽ bị hẹp lại, đôi khi tắc hoàn toàn do cục máu đông hình thành trên mảng xơ mỡ gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ. Các yếu tố nguy cơ của hẹp, tắc động mạch ngoại biên cũng tương tự như đối với động mạch vành, bao gồm: tăng cholesterol máu, đái tháo đường, thuốc lá và tăng huyết áp. Trong đó, thuốc lá là yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng của bệnh động mạch ngoại biên.

Triệu chứng kinh điển của bệnh mạch ngoại biên là: chứng đau cách hồi ở chân, đau tăng lên khi đi nhanh hoặc leo dốc và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Nguyên nhân của đau là do thiếu máu cục bộ các bắp cơ ở chân khi vận động. Đau cách hồi ở chân cũng có thể xuất hiện khi gặp lạnh hay khi sử dụng một số thuốc như chẹn beta giao cảm (thuốc gây co thắt mạch làm nặng thêm tình trạng thiếu máu ngoại biên).

Khi động mạch bị hẹp nhiều hoặc tắc hoàn toàn, đau vùng ngoại biên xuất hiện liên tục ngay cả khi nghỉ ngơi. Lúc này các ngón chân trở nên nhợt, biến đổi màu sắc hoặc tím (đặc biệt khi chân để thõng). Bàn chân lạnh, mạch mu chân yếu hoặc không bắt được. Nặng hơn, vùng chi thiếu máu bắt đầu bị loét. Nặng hơn nữa, hoại tử xuất hiện buộc phải cắt cụt ngón chân hoặc bàn chân. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như vậy hiếm gặp.

2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh động  mạch ngoại biên

Có khoảng gần 75% trường hợp không có triệu chứng. Bệnh động mạch ngoại biên hiện có xu hướng tăng lên cùng với sự tăng của tuổi thọ, lối sống thay đổi và đặc biệt là các yếu tố nguy cơ tim mạch gia tăng. Sau tuổi 70, khoảng 20% dân số bị bệnh động mạch ngoại biên.

Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được như:

  • Tuổi
  • Tiền sử gia đình bị bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim mạch hay đột quỵ.

Những yếu tố nguy cơ có thể khống chế được như:

  • Hút thuốc lá: Đây là nguy cơ chính của bệnh động mạch ngoại biên. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên sớm hơn khoảng 10 năm những người không hút thuốc.
  • Béo phì làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch (bệnh xơ vữa mạch máu).
  • Mỡ máu cao: Làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch (do tăng lắng đọng chất béo ở thành động mạch).
  • Bệnh tiểu đường: Lớp nội mạc mạch cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch,
  • Bệnh tăng huyết áp: Áp lực trong thành mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng các chất mỡ vào thành mạch.
  • Ít vận động: Hoạt thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nó cũng làm tăng độ dài quãng đường mà người bị bệnh động mạch ngoại biên có thể đi mà không bị đau chân. Chương trình tập luyện thể lực có giám sát là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên.

Trong số đó, hút thuốc lá và đái tháo đường là 2 nguy cơ bị bệnh đặc biệt cao. Nếu bạn có dù chỉ một những nguy cơ trên của bệnh động mạch ngoại biên, hãy tìm hiểu về bệnh.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên cũng giống như các bệnh lý tim mạch khác. Phần lớn các yếu tố này đều có thể được kiểm soát. Hãy nhớ, để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, cần kiểm soát đầy đủ các yếu tố nguy cơ.

3. Điều trị

Nguyên tắc điều trị bệnh động mạch ngoại biên là giảm triệu chứng đau và phòng những tiến triển xấu của bệnh như: cắt cụt chân, cơn đau thắt ngực hay đột quỵ. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là thích hợp với từng người bệnh dựa trên tình trạng toàn thân và mức độ trầm trọng của bệnh.

Trong phần lớn các trường hợp, thay đổi lối sống, tập thể dục và dùng thuốc đều có thể làm chậm sự tiến triển hay đẩy lùi triệu chứng của bệnh. Với những trường hợp tổn thương thiếu máu nặng, tuần hoàn bàng hệ kém, người bệnh có thể được xem xét điều trị bằng phương pháp can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu nối để tránh biến chứng cắt cụt chi.

a) Luyện tập

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh động mạch ngoại biên là thường xuyên luyện tập. Bác sĩ sẽ giúp bạn có một chương trình luyện tập phù hợp. Bạn có thể bắt đầu một cách từ từ như đi bộ, tập các bài tập dành cho chân và các bài tập khác từ 3 đến 4 lần/tuần. Biện pháp này có thể làm giảm triệu chứng của bệnh sau vài tháng. Tuy hiệu quả xuất hiện chậm nhưng đây là biện pháp điều trị cơ bản cho tất cả các bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên.

Tập luyện trong trường hợp có triệu chứng đau cách hồi như đi bộ có thể gây đau. Vì vậy, chương trình luyện tập bao gồm xen kẽ những đoạn đường đi bộ với nghỉ ngơi, sau đó, quãng đường này được kéo dài dần và thời gian nghỉ giữa những lần đó cũng dần được rút ngắn nhằm tăng khoảng thời gian bạn có thể đi được trước khi xuất hiện đau chân. Việc luyện tập và theo dõi tại các trung tâm phục hồi chức năng là rất có ích cho bạn. Nếu bạn không có điều kiện đến các trung tâm phục hồi chức năng, hãy đề nghị bác sĩ giúp bạn lập một kế hoạch tập luyện phù hợp.

b) Chế độ ăn

Nhiều bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên có mỡ máu tăng cao. Bên cạnh việc dùng thuốc, một chế độ ăn ít cholesterol và mỡ bão hoà là rất cần thiết để giúp làm giảm mỡ máu, hạn chế tình trạng xơ vữa mạch.

c) Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút. Nó sẽ giúp làm chậm tiến triển bệnh động mạch ngoại biên và các bệnh liên quan đến tim mạch khác.

d) Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ có thể được kê cho bạn thuốc hạ huyết áp và/hoặc thuốc điều chỉnh mỡ máu. Việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng. Dùng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ cho bệnh động mạch ngoại biên cũng như nhồi máu cơ tim và đột tử. Các thuốc nhóm cilostazol, pentoinfylin sẽ giúp bạn cải thiện được quãng đường đi bộ nếu bạn bị đau cách hồi. Những thuốc này làm giảm độ nhớt của máu và giảm hình thành cục máu đông, cải thiện tốc độ dòng chảy. Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, clopidogrel) cũng giúp phòng ngừa huyết khối gây nghẽn mạch.

e) Can thiệp điều trị qua đường ống thông

Với một số bệnh nhân, bên cạnh các phương pháp điều trị trên, họ cần được tiến hành can thiệp hay phẫu thuật.

Phương pháp can thiệp bao gồm nong hay đặt stent động mạch, tương tự như đặt stent động mạch vành. Đây là phương pháp không phẫu thuật. Bác sỹ làm thủ thuật chỉ cần đưa một ống thông nhỏ qua da vào động mạch để lấy cục máu đông, sau đó dùng một quả bóng nhỏ bơm lên trong lòng mạch để nong rộng chỗ tắc. Một stent (giá đỡ kim loại đặc biệt) được đặt vào vị trí tắc nghẽn hạn chế tái hẹp.

Người bệnh cần nhớ đây không phải là biện pháp có thể giải quyết toàn bộ tình trạng bệnh của mình, mà chỉ giúp cải thiện mức độ trầm trọng của bệnh. Sau can thiệp đặt stent, người bệnh cần phải kiên trì dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định và thực hiện các biện pháp luyện tập, điều chỉnh chế độ ăn như chỉ dẫn của bác sỹ.

f) Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết trong một số trường hợp như: tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu dài và bạn có triệu chứng thiếu máu chi nặng. Trong phẫu thuật, bác sỹ sẽ lấy một đoạn mạch (thường là tĩnh mạch) từ một phần khác của cơ thể để bắc cầu nối qua chỗ tắc tới các mạch máu nuôi phần chi phía dưới chỗ tắc. Tương tự như sau can thiệp đặt stent động mạch, người bệnh sau đó vẫn cần tuân thủ tốt chế độ dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Việc lựa chọn biện pháp điều trị nào, dùng thuốc, đặt stent động mạch hay phẫu thuật sẽ căn cứ vào mức độ và tính chất tổn thương của bạn. Bác sĩ sẽ hội chẩn và quyết định xem phương pháp nào là thích hợp nhất với tình trạng người bệnh. Tóm lại, nếu bạn được chẩn đoán là bị bệnh động mạch ngoại biên, hãy tự trang bị cho mình bằng những hiểu biết về các yếu tố nguy cơ của bệnh và làm thế nào để giảm bớt các yếu tố nguy cơ đó, nguyên tắc điều trị để giảm bớt triệu chứng và tiếp tục duy trì một cuộc sống khoẻ mạnh.

Chia sẻ:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quý khách có các thắc mắc liên quan đến phương pháp điều trị, chính sách ưu đãi, biểu phí, hình thức thanh toán vui lòng để lại thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ lại.

Hoặc Quý khách có thể gọi đến tổng đài 02583.898.789 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách.

ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÀI GÒN NHA TRANG
– Lô số 10 đường 19/5, KĐT Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hoà
– Điện thoại: 0258 3898789
– Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang

THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG: THỨ 2 ĐẾN THỨ 7
– Sáng 7h00 – 11h30
– Chiều 13h00 – 16h30
– Cấp cứu 24/7: 0889455115