Theo một thống kê y học, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, sỏi tiết niệu cũng là bệnh lý thường gặp nhất tại hệ tiết niệu, chiếm từ 40 – 60% bệnh lý của đường tiết niệu.. Các khảo sát cho thấy, Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao, gọi là “Vùng sỏi thế giới”. Vậy thì sỏi tiết niệu là gì? Có thể điều trị dứt điểm sỏi tiết niệu hay không? Cách phòng tránh như thế nào hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tìm hiểu ngay tại bài viết này nhé.
Những điều cần biết về sỏi tiết niệu
1/ Sỏi tiết niệu là gì? Cách phân loại và nhận biết?
Sỏi tiết niệu là một bệnh thường gặp, đặc biệt là đối tượng ngoài tuổi trung niên. Theo các nghiên cứu thống kê cho thấy thì sỏi tiết niệu thường gặp nhiều ở nam giới hơn so với nữ giới.
Nói rõ hơn về sỏi tiết niệu thì sỏi tiết niệu là những khối rắn xuất hiện trong đường tiết niệu do sự kết tủa của một số chất trong nước tiểu cùng với đó là sự lắng đọng nước tiểu. Nếu không được điều trị, sỏi sẽ di chuyển xuống niệu quản theo dòng chảy của nước tiểu hoặc phát triển tại chỗ (tại thận và càng ngày càng lớn gây ra bệnh thận ứ nước, nhiễm trùng và tổn thương làm hư thận).
Vì vậy, dựa trên vị trí của sỏi trong đường tiết niệu chúng ta có các loại sỏi như: Sỏi thận, Sỏi niệu quản, Sỏi bàng quang, Sỏi niệu đạo. Trong đó sỏi thận có tỷ lệ mắc cao nhất chiếm 40%, đây cũng là điều dễ hiểu do hầu hết thì những viên sỏi được hình thành tại thận, sau đó mới bị tác động di chuyển theo dòng chảy nước tiểu đến các vị trí khác.
Bên cạnh cách phân loại theo vị trí của sỏi thì cũng cần nhận biết sỏi thông qua cấu trúc sỏi được cấu thành từ những khoáng chất khó tan trong nước tiểu và được chia thành 4 dạng khác nhau bao gồm:
- Sỏi canxi: Là loại sỏi phổ biến nhất, bao gồm sỏi canxi oxalat màu đen, canxi photphat màu vàng nhạt và canxi cacbonat có màu trắng…
- Sỏi urat: Thường có màu gạch cua, tỉ lệ gặp ở nam giới cao hơn nữ giới, đặc biệt là những người bệnh gout hoặc đang hóa trị.
- Sỏi struvite (sỏi san hô, sỏi nhiễm trùng): Có màu vàng trắng, thường gặp ở nữ giới mắc bệnh viêm tiết niệu.
- Sỏi cystine: Loại sỏi này thường liên quan đến yếu tố di truyền, có màu vàng nhạt và xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới. Đây là loại sỏi rất hiếm gặp nhưng hay tái phát.
Dựa vào vị trí và kết cấu của sỏi mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị hiệu quả nhất, thuận tiện nhất cho người bệnh.
2/ Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu
Đến hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân hình thành sỏi tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy các yếu tố nguy cơ nói chung bao gồm các rối loạn làm tăng nồng độ các chất keo như acid nucleic, mucin, mucoprotein… trong nước tiểu giảm sẽ khiến cho các tinh thể canxi, oxalat, urat… có xu hướng kết tụ lại với nhau hình thành nên sỏi. Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy sỏi kết tinh gồm:
- Uống quá ít nước hoặc mất nước thường xuyên do đổ mồ hôi nhiều, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng bức. Mồ hôi ra nhiều làm cho nước tiểu bị cô đặc dễ hình thành sỏi.
- Độ tuổi: tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu thường từ 20 – 50 tuổi.
- Chủng tộc: người da trắng có nguy cơ cao hơn người châu phi.
- Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình có người bị sỏi đường tiết niệu.
- Chế độ ăn uống mất cân bằng: Ăn quá nhiều muối, đường, đạm và các thực phẩm giàu canxi…
- Nghề nghiệp: người làm trong môi trường nắng nóng, công việc căng thẳng trí óc, ít vận động.
- Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu, chống co giật, kháng acid…
- Các bệnh lý khác như dạ dày, viêm ruột, cận giáp, nhiễm khuẩn tiết niệu…
3/ Triệu chứng thường gặp khi bị sỏi tiết niệu
Thực tế, khi sỏi tiết niệu xuất hiện (thường sỏi hình thành tại thận) sẽ có xu hướng di chuyển theo dòng chảy nước tiểu và tự thoát ra theo đường tiết niệu trong quá trình di chuyển sẽ có sự cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu gây ra các cơn đau tùy theo vị trí sỏi như:
a/ Sỏi đường tiết niệu trên
Gồm sỏi thận, bể thận, niệu quản. Các triệu chứng thường gặp là:
- Cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, sau khi gắng sức, khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới, cường độ đau thường mạnh, không có tư thế giảm đau. Có thể phân biệt hai trường hợp.
- Cơn đau của thận do sự tắc nghẽn bể thận và đài thận: đau ở hố thắt lưng phía dưới xương sườn 12, lan về phía trước hướng về rốn và hố chậu.
- Cơn đau của niệu quản: xuất phát từ hố của thắt lưng lan dọc theo đường đi của niệu quản, xuống dưới đến hố chậu bộ phận sinh dục và mặt trong đùi.
- Triệu chứng kèm theo cơn đau quặn thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Có thể có sốt, rét run nếu có nhiễm trùng kết hợp.
Chú ý rằng không có mối liên quan giữa kích thước hay số lượng sỏi với việc xuất hiện cũng như cường độ đau của cơn đau quặn thận. Một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng (sỏi thể yên lặng), hoặc chỉ có dấu không rõ ràng như đau ê ẩm vùng thắt lưng một hoặc hai bên.
b) Sỏi đường tiết niệu dưới
Gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
- Sỏi bàng quang sẽ kích thích niêm mạc bàng quang gây tiểu buốt, rát, tiểu máu.
- Tiểu tắc giữa dòng.
- Sỏi niệu đạo sẽ gây bí tiểu,
Tuy nhiên các triệu chứng này thường cuất hiện khi sỏi có hình thành có kích thước lớn còn đối với sỏi có kích thước nhỏ thì gần như người bệnh không cảm nhận các dấu hiệu bất thường.
4/ Ảnh hưởng của sỏi tiết niệu đến sức khỏe
Sỏi tiết niệu nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ứ nước tại thận và giãn đài bể thận: Sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu khiến nước tiểu ứ đọng tại thận gây giãn đài bể thận, nếu không xử trí sớm sẽ dẫn tới suy giảm chức năng của thận.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sỏi di chuyển gây rách, xước niêm mạc đường tiết niệu và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm. Nếu kết hợp cùng ứ niệu có thể gây hoại tử thận, ứ mủ tại thận, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong
Viêm khe thận mạn tính: Sỏi tiết niệu mắc vào các khe thận, tại đây chúng có thể gây viêm và kéo theo hệ quả là gây xơ hóa thận, tăng huyết áp.
Suy thận: Đây là biến chứng nặng nề nhất, có thể là suy thận cấp tính hoặc mạn tính.
Vỡ thận: vách thận rất mỏng nên nếu bị ứ nước quá lâu, nhiễm trùng nghiêm trọng khiến thận bị sưng viêm có thể gây vỡ thận đột ngột và có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Các phương pháp điều trị bệnh sỏi tiết niệu
Hiện tại có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi tiết niệu khác, các phương pháp là tối ưu và phù hợp tùy theo từng điều kiện bệnh nhân dựa trên các yếu tố như: hình dạng, kích thước, vị trí, và ảnh hưởng của viên sỏi lên đường tiết niệu như thế nào mà bác sĩ sẽ hội chuẩn và có chỉ định phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Không chỉ riêng đối với sỏi tiết niệu mà với bất kỳ bệnh lý nào thì việc phát hiện sớm cũng là yếu tố thuận lợi trong việc điều trị bệnh không chỉ giúp điều trị hiệu quả hơn, giảm thiểu biến chứng mà chi phí điều trị cũng sẽ tiết kiệm hơn. Vì vậy lời khuyên đến với tất cả mọi người là luôn quan tâm đến sức khỏe của bản thân, theo dõi các bất thường của cơ thể đặc biệt là kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để có cái nhìn tổng quan về sức khỏe bản thân.
1. Điều trị nội khoa : (sỏi thận, sỏi niệu quản)
Với sỏi thận có kích thước nhỏ (thường là <5mm) người bệnh có thể được điều trị nội khoa bằng cách cho uống nước nhiều và dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, giảm co thắt đường niệu và đào thải sỏi ra ngoài.
2. Điều trị ngoại khoa (phương pháp phẫu thuật)
Đối với sỏi thận có kích thước lớn, không thể điều trị bằng phương pháp nội khoa khi dó bác sĩ sẽ cần chỉ định ngoại khoa để can thiệp. Hiện nay điều trị phương điều trị ngoại khoa các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi hay mổ mở được lựa chọn. Cùng bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tìm hiểu nhanh về tính ưu việt của các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu.
2.1 Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể là kỹ thuật sử dụng sóng xung kích hoặc điện từ trường tác động từ bên ngoài cơ thể tại vùng có sỏi. Sóng xuyên qua bề mặt cơ thể, truyền trong môi trường nước, hội tụ tại viên sỏi, sỏi sẽ bị vỡ nhỏ. Sỏi được đẩy ra ngoài cơ thể theo đường tự nhiên.
Ngoài ưu điểm điều trị sỏi thận an toàn và không gây đau đớn cho người bệnh, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể còn có nhiều ưu điểm khác như: ít ảnh hưởng đến thận, không mất nhiều thời gian nằm viện hay chăm sóc…
2.2 Phương pháp tán sỏi qua nội soi niệu quản
Tán sỏi qua nội soi niệu quản là kỹ thuật sử dụng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng laser/ khí nén/ siêu âm để phá vụn viên sỏi và bơm rửa và gắp để lấy hết sỏi ra ngoài. Bao gồm hai Phương pháp:
- Nội soi niệu quản sử dụng ống soi cứng hay bán cứng: Phương pháp này ưu tiên áp dụng cho sỏi niệu quản 1/3 dưới, 1/3 giữa, có thể 1/3 trên.
- Nội soi niệu quản sử dụng ống soi mềm: Tán được sỏi niệu quản 1/3 trên, sỏi trong thận.
Đây cũng là một trong những phương pháp điều trị tuân theo nguyên tắc can thiệp ít xâm lấn, bệnh nhân có thể ra viện sau khoảng 12 – 24 giờ theo dõi. Nội soi niệu quản được chỉ định cho các trường hợp: sỏi có kích thước < 20mm.
Tán sỏi qua nội soi niệu quản được Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang thực hiện để điều trị, là một kỹ thuật tiên tiến, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh sỏi thận. Đồng thời, kỹ thuật này giúp giảm tỉ lệ tai biến, biến chứng, góp phần nâng cao sức khoẻ, sức lao động cho người bệnh.
2.3 Phương pháp lấy sỏi thận qua da ( PCNL)
Với tiến bộ của phẫu thuật và dụng cụ ngày càng được cải tiến giúp giảm thiểu tổn thương thận làm vỡ vụn sỏi nhanh chóng. Đây là phẫu thuật có thể giải quyết được tất cả các loại sỏi thận, niệu quản đoạn trên giảm tối thiểu tổn thương nhưng lại mang đến hiệu quả tối đa với tỉ lệ sạch sỏi cao, đau vết mổ ít, có khả năng lấy sạch sỏi chỉ trong một lần phẫu thuật. Kỹ thuật này là lựa chọn đầu tiên với những sỏi kích thước lớn từ 1-2cm.
2.4 Nội soi bằng ống mềm
Một trong những kỹ thuật hiện đại khác chính là tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm dưới tác động của tia laser để sỏi vỡ ra, nhằm bảo tồn chức năng thận cho người bệnh. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân bị sỏi thận đài dưới gây kẹt cổ đài, ứ nước đài dưới thận; Sỏi thận sót hoặc tái phát; Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận sau tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống cứng, ống bán cứng và phẫu thuật nội soi sau phúc mạc…
2.5. Nội soi sau phúc mạc hoặc qua ổ bụng
Có thể áp dụng cho sỏi niệu quản, sỏi thận ngoài xoang
2.6. Phẫu thuật mổ mở
Là biện pháp sau cùng khi các biện pháp trên có chống chỉ định. Với những ưu điểm vượt trội của kỹ thuật mổ nội soi, phẫu thuật mổ hở ít khi được thực hiện trong thực hiện trong điều trị sỏi thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể như kích thước viên sỏi quá lớn, không thể lấy ra hoặc nghiền nát bằng các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật mổ hở vẫn được chỉ định.
Lời khuyên của bác sĩ
Sỏi tiết niệu hoàn toàn có thể điều trị được, hiệu quả nhất là khi sỏi còn nhỏ. Nếu sỏi đã lớn, gây nhiều biến chứng, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, phức tạp, chi phí tốn kém, ảnh hưởng lớn tới kết quả cuối cùng cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh. Chính vì vậy, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời luôn là cách tốt nhất trong điều trị bệnh.
Bên cạnh việc duy trì lối sống lành mạnh, rèn thói quen theo dõi sức khỏe thì để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần được thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm ít nhất 1lần . Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang hiện tại đã triển khai Gói tầm soát bệnh lý tiết niệu giúp quý khách hàng sớm phát hiện những bất thường của hệ tiết niệu để có kế hoạch điều trị kịp thời nhằm đạt kết quả tối ưu.