1/ Đau thần kinh toạ là gì?
Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Đây là dây thần kinh dài nhất của cơ thể chạy dọc từ cột sống thắt lưng tới mặt ngoài đùi, mặt trước của cẳng chân, mắt ngoài cá chân và xuống các ngón chân. Cơn đau thần kinh tọa có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên thắt lưng, thường gặp ở người trong độ tuổi lao động (từ 30-50 tuổi).
2/ Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?
3/ Triệu chứng, dấu hiệu đau thần kinh tọa
3.1 Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa
Cơn đau xuất phát từ vùng cột sống thắt lưng chạy dọc hông rồi lan xuống mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài dưới cẳng chân, lan tới mắt cá ngoài của chân và xuống tận các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương rễ thần kinh có thể chỉ đau đến phần khoeo chân hoặc đau tới mu bàn chân và ngón chân cái, đau ở lòng bàn chân và hết ngón chân út. Có trường hợp không đau tại vùng thắt lưng nhưng lại đau dọc từ đùi trở xuống bàn chân.
3.2 Mức độ rất đau
Có thể đau âm ỉ chịu đựng được cho tới các cơn đau nhức nhối, dữ dội như dao đâm. Cơn đau thường tăng nhiều khi người bệnh ho, hắt hơi, ngồi lâu một chỗ hoặc nâng vật nặng.
3.3 Cảm giác tê bì
Một số người bệnh có cảm giác tê vùng mông, ngứa ran và yếu cơ chân, cơ bàn chân. Cũng có khi người bệnh vừa bị đau vừa bị tê cùng lúc.
4/ Chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa
Cần phối hợp các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
- Chụp X quang: Phương pháp này ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân nhưng nó giúp định hướng đến các nguyên nhân gây bệnh đến từ thoái hóa cột sống, trượt đốt sống, lao cột sống, viêm cột sống dính khớp, hẹp đốt sống, …
- Chụp cộng hưởng từ MRI: có giá trị cao trong chẩn đoán, có thể cho thấy mức độ tổn thương và vị trí chính xác của khối thoát vị đĩa đệm, mức độ chèn ép…
- Chụp CTScan: Được chỉ định trong trường hợp người bệnh không thể chụp cộng hưởng từ.
- Điện cơ: Giúp phát hiện mức độ tổn thương ở rễ thần kinh
5/ Nguyên nhân gây đau thần kinh toạ
– Bệnh thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hàng đầu (80%).
– Ngoài nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm, một số bệnh khác cũng có thể gây đau thần kinh tọa là: Hẹp ống sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống… Một số bệnh lý hiếm gặp hơn có thể gây bệnh bao gồm: Viêm đĩa đệm cột sống, tổn thương thân đốt sống do vi khuẩn, khối u hoặc lao cột sống….
6/ Những đối tượng có nguy cơ cao bị đau thần kinh toạ
– Người lao động nặng; Người làm việc văn phòng ít vận động, thừa cân béo phì, người lớn tuổi bị thoái hóa cột sống, loãng xương…
– Người bị đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường được phát hiện là một trong những nguyên nhân kích thích cơn đau và lan dọc theo dây thần kinh tọa.
7/ Điều trị
7.1 Điều trị bảo tồn
– Thuốc kháng viêm giảm đau (NSAIDs, acetaminophen, tramadol) có thể dùng kéo dài đến 6-8 tuần. Thuốc giảm đau thần kinh (gabapentin, pregabalin).
– Co cứng cơ có thể giảm bằng thuốc giản cơ (myonal, mydocalm, coltramyl…)
– Corticosteroid tiêm ngoài màng cứng có thể giảm đau dùng khi đau nặng hoặc kéo dài.
7.2 Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được chỉ định cho hội chứng đuôi ngựa hoặc thoát vị đĩa đệm rõ kèm theo một trong những yếu tố sau đây:
– Yếu cơ trở nên nặng hơn hoặc không phục hồi.
– Tổn thương thần kinh tiến triển, đau không thể chữa khỏi, ảnh hưởng đến sinh hoạt; bệnh nhân không giảm sau 8 tuần điều trị nội khoa bảo tồn
Phẫu thuật cắt đĩa đệm cổ điển, cắt giới hạn để điều trị thoát vị đĩa đệm là phẫu thuật tiêu chuẩn. Nếu đĩa đệm thoát vị khu trú, có thể mỗ vi phẫu thoát vị đĩa đệm, đường rạch da và cắt đĩa đệm có thể nhỏ hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn.
8. Cách phòng tránh đau thần kinh toạ
9/ Các biện pháp nên phối hợp chữa đau thần kinh tọa tại nhà
Khi những cơn đau nghiêm trọng thì cơ thể cần được nằm nghỉ ngơi. Ngược lại nếu cơn đau đã thuyên giảm thì tập luyện chính là cách lâu dài để điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.
9.1 Chườm nóng
Đây là phương pháp chữa đau dây thần kinh tọa khá nhanh và hiệu quả, hơn nữa, với cách này, bệnh nhân có thể tự thực hiện mà không cần sự trợ giúp của người khác. Chườm nóng giúp mạch máu được giãn ra và lưu thông vì thế giúp người bệnh giảm cảm giác đau nhức. Cách thực hiện như sau: Bạn chỉ cần đổ nước nóng khoảng 40 đến 45 độ C trong túi chườm, sau đó chườm lên vùng thần kinh tọa bị đau
9.2 Tắm nước ấm
Tắm bằng nước ấm rất tốt và đặc biệt tốt với những người bị đau dây thần kinh tọa. Hơi nóng của nước chính là yếu tố giúp mạch máu của bạn được lưu thông dễ dàng hơn và tình trạng co thắt ở các cơ và áp lực từ đĩa đệm lên dây thần kinh cũng giảm. Bạn có thể tắm trong bồn nước ấm hoặc tắm dưới vòi hoa sen với nhiệt độ nước ấm khoảng 35 đến 40 độ.
9.3 Ngủ đúng tư thế trên nệm cứng cũng là cách chữa đau thần kinh tọa hiệu quả
Nằm ngửa: Bạn có thể đặt một chiếc gối dưới đầu gối để dây thần kinh tọa không bị kéo căng và khiến cho giấc ngủ được sâu hơn.
Nằm nghiêng: bạn cũng có thể nằm nghiêng sang bên không bị đau, đồng thời kẹp một chiếc gối mỏng giữa 2 bên đầu gối giúp phần chân trên được nâng đỡ.
9.4 Đi bộ
Viêm khi đau dây thần kinh tọa có thể được cải thiện khi người bệnh di chuyển. Do đó, đi bộ ngắn có thể giúp giảm cơn đau thần kinh tọa. Các chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi chức năng có thể hướng dẫn đúng các tư thế luyện tập để giảm tổn thương của dây thần kinh.
Bạn có thể tham khảo 2 bài tập dưới đây:
– Đứng thẳng sát chân cầu thang, sau đó, bạn đưa 1 chân để lên nấc thang đầu tiên. Từ từ vươn người về phía trước trong khoảng 30 giây, lưu ý giữ cho cột sống lưng thẳng và hít thở sâu. Kết thúc động tác, trở về tư thế ban đầu. Sau đó đổi chân và thực hiện tương tự mỗi bên khoảng 3 lần.
– Bạn nằm ngửa, chân duỗi thẳng, cong chân trái lên, vắt chéo sang bên chân phải, mắt cá chân trái cạnh đầu gối phải. Tiếp đó, 2 tay giữ đùi trái, kéo cong người về phía trước. Giữ tư thế trong 30 giây và trở về tư thế ban đầu, tiếp đó đổi bên. Tập khoảng 10 phút mỗi ngày.
Theo Thầy thuốc Ưu tú – BS CKII Nguyễn Thành Hưng