Dinh dưỡng cho bà bầu như thế nào giúp thai nhi phát triển toàn diện; chế độ ăn của bà bầu 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối có gì khác biệt; nên ăn gì/kiêng gì khi mang thai,… là những thắc mắc của không ít mẹ bầu, dù làm mẹ lần đầu hay đã sang “tập 2”, “tập 3”. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây để chuẩn bị cho một thai kỳ như ý nhé!
Mẹ tăng bao nhiêu ký trong quá trình mang thai?
Trong quá trình mang thai, cân nặng của mẹ nên tăng từ 10 – 12 kg, cụ thể:
- 3 tháng đầu (quý I): 1 kg
- 3 tháng giữa (quý II): 4-5 kg
- 3 tháng cuối (quý III): 5 – 6 kg
Chế độ dinh dưỡng trong các giai đoạn của thời kỳ mang thai
Dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ:
Ba tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn mầm mống sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ nên dinh dưỡng chưa cần quá nhiều nhưng buộc phải đủ.
Một số vi chất cần thiết cần phải bổ sung trong giai đoạn này bao gồm: sắt, iod, axit folic, protein, canxi, vitamin D, vitamin C và kẽm. Các chất này cần thiết cho sự hình thành các cơ quan quan trọng ban đầu như: tủy sống, não bộ, tim, phổi, gan, ống thần kinh,…
Theo đó hàm lượng vi chất cần được bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ cụ thể gồm:
- Protein: 61g/ngày gồm thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt.
- Sắt: 15g/ngày. Chứa nhiều trong thịt, gan động vật dễ hấp thu.
- Axit folic(vitamin B9): nhu cầu 400µg/ngày, là vi chất vô cùng quan trọng trong giai đoạn này. Axit folic có tác dụng giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, tật nứt đốt sống trong bào thai. Thực phẩm nhiều axit folic như: rau có lá, bắp cải, măng tây, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, thận, trứng.
- Canxi: 800 mg/ngày, thực phẩm giàu canxi: sữa, cá, đậu, rau xanh…
Dinh dưỡng trong 3 tháng giữa thai kỳ
3 tháng giữa thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển về khung xương và chiều cao, mẹ cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi, kẽm như cua, tôm, trứng, sữa, các loại thủy hải sản…
Chế độ ăn hàng ngày của mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đủ 1.200mg nhu cầu canxi theo khuyến nghị qua thực phẩm, sữa hoặc chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…).
Thai phụ cũng cần tiếp tục uống viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo khuyến cáo.
Mẹ bầu không nên có suy nghĩ phải ăn gấp đôi, gấp 3 bình thường để “con to” bởi lúc này thai nhi vẫn chưa bước sang thời kỳ “bứt phá” về cân nặng (đến 26 tuần tuổi, thai nhi chỉ mới nặng khoảng 900g). Theo khuyến cáo, trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mẹ bầu chỉ cần tăng khẩu phần ăn lên tương đương khoảng 300 – 400 kcal/ngày (bằng 2 chén cơm trắng hoặc 2 ly sữa).
Nếu ăn uống quá nhiều, mẹ tăng cân quá mức không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, tâm lý sau sinh mà còn tăng nguy cơ tiểu đường, tắng huyết áp, tiền sản giật trong thai kỳ.
Dinh dưỡng trong 3 tháng cuối thai kỳ
Là giai đoạn quan trọng nhất, được xem là giai đoạn thần tốc khi mà thai nhi phát triển nhanh chóng cả về trí não và kích thước. Bé có thể dài thêm gần 25 cm nữa, tổng chiều dài vào khoảng 50 cm. Do vậy, mẹ cần chú ý đảm bảo cung cấp đủ lượng dinh dưỡng mà bé cần.
Vào 3 tháng cuối, do sự thay đổi hormone và thai nhi lớn gây áp lực lên vùng chậu và bàng quang khiến mẹ bầu thường bị táo bón, đầy bụng. Để tránh tình trạng này, chế độ ăn cho bà bầu nên bổ sung nhiều chất xơ và tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa.
Mẹ bầu khi bị nghén cần phải làm gì?
Để khắc phục tình trạng nghén và đạt được mức cân nặng phù hợp, mẹ bầu cần điều chỉnh chế độ ăn của mình:
- Ăn ít mỗi bữa nhưng chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Ăn bổ sung trái cây, sữa, các loại hạt… để có thể dễ dàng “nạp năng lượng” vào những thời điểm phù hợp.
Nếu cơ thể thai phụ có phản ứng nặng với mùi, mẹ bầu có thể thử dùng bánh quy mặn, bánh mỳ nướng, các loại mít sấy, chuối sấy, cách loại hạt hoặc nấu canh thịt với bí đao thêm ít quả sấu, hoặc các loại cháo đậu, hạt sen ý nhĩ…cho bữa ăn đầu ngày, nằm nghỉ ngơi trên giường hoặc có thể ăn ngay trên giường, miễn sao mẹ bầu cảm thấy thoải mái nhất.
Duy trì lượng 2 ly sữa/ngày để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết.
Trong trường hợp cơn ốm nghén trở nên trầm trọng (ốm nghén kéo dài), mẹ bầu cần liên hệ bác sĩ để được kê thuốc chống ói hoặc truyền tĩnh mạch để đảm bảo dinh dưỡng trong suốt thai kỳ.
Có nên dùng thuốc bổ (viên đa chất) trong thai kỳ?
Từ tháng thứ 3 trở đi nhu cầu canxi, sắt, axit folic,…của mẹ tăng cao do nhu cầu từ bé. Việc dùng viên đa chất, viên uống bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết bởi thực phẩm mẹ ăn hàng ngày hầu như không đáp ứng đủ hoặc không đúng nhu cầu dinh dưỡng bé cần.
Mẹ nên lựa chọn viên uống bổ sung đạt chuẩn chất lượng và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt kết quả tốt nhất.
Mẹ bầu cần tránh những thực phẩm nào?
- Kiêng các thực phẩm tái, sống để tránh vi khuẩn.
- Trứng lòng đào, gan, pate,…
- Tránh sử dụng thức ăn dùng màu thực phẩm vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi, khả năng trẻ mắc chứng tăng động sau sinh cao hơn.
- Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích (cà phê, trà, …)
- Cá có hàm lượng thủy ngân cao: Các loại hải sản như cá kiếm, cá mập, cá thu, cá mòi, cá nhám da cam và cá ngói có hàm lượng metyl thủy ngân cao, có thể đi qua nhau thai và gây hại cho não, thận và hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi.
- Thực phẩm chế biến sẵn: ít dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hòa, đường làm cho mẹ tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, và nhiều biến chứng trong quá trình mang thai.

Chế độ vận động
Ngoài chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu, tập thể dục cũng là một phương thức quan trọng tăng cường sức khỏe cho mẹ trong quá trình mang thai, tuy nhiên cần chú ý về thời lượng tập và tránh các động tác quá mạnh. Mẹ bầu có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đi bộ từ 15 đến 20 phút/ngày tùy vào tình trạng sức khỏe của mình.
Bệnh viện đa khoa Sài Gòn Nha Trang
ThS Dinh dưỡng Nguyễn Văn Thế Bảo
Chuyên khoa Dinh Dưỡng