Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng da bao quy đầu không thể tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu của trẻ. Theo thống kê có đến 90% trẻ sơ sinh nam sinh ra mắc chứng bệnh hẹp bao quy đầu sinh lý, Khi trẻ được khoảng 3 tuổi, tỷ lệ hẹp bao quy đầu sẽ giảm dần xuống còn 10%, đến năm bé được 16 tuổi tỷ lệ hẹp bao quy đầu sinh lý chỉ còn khoảng 1%.
Vậy ba mẹ cần theo dõi và chăm sóc như nào cho trẻ, có nên cố gắng tuột da quy đầu hay thực hiện cắt bao quy đầu cho trẻ hay không? Cùng tìm hiểu với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang trong bài viết này
Bao quy đầu với mặt ngoài là da và mặt trong là niêm mạc, bao quanh và che chở cho quy đầu (phần đầu của dương vật) có chức năng che chở quy đầu và giữ cho nó được mềm mại, ấm, ẩm và nhạy cảm.
1. Hẹp bao quy đầu ở trẻ là gì?
Trẻ nhỏ bị hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu của bé không thể kéo xuống được, điều này làm cho bao quy đầu không thể tách khỏi quy đầu.
Về mức độ, hẹp bao quy đầu được phân loại: Hẹp bao quy đầu tương đối (bao quy đầu kéo lên được một phần) và hẹp bao quy đầu hoàn toàn (bao quy đầu hoàn toàn không kéo lùi được).
1.1 Phân loại mức độ hẹp bao quy đầu
Theo Meuli và cộng sự, hẹp bao quy đầu được chia thành 4 mức độ, cụ thể:
- Mức 1: Bao quy đầu kéo lên được hoàn toàn nhưng khó khăn và có vòng thắt thân dương vật.
- Mức 2: Bao quy đầu kéo lên được một phần để lộ đầu dương vật.
- Mức 3: Bao quy đầu kéo lên được ít, chỉ để lộ miệng sáo.
- Mức 4: Bao quy đầu hoàn toàn không kéo lùi được.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ có 2 dạng là hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bệnh lý. Cần phân biệt đúng loại để có biện pháp xử trí đúng và hiệu quả.
1.2 Hẹp bao quy đầu sinh lý ở trẻ :
Đây là tình trạng bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ suy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra, trường hợp này chiếm phần lớn số lượng trẻ bị hẹp bao quy đầu. Thông thường trong 3 năm đầu, dương vật của trẻ sẽ to dần ra, lớp bề mặt da sẽ bong ra và tích tụ lại thành chất bợn nằm bên dưới bao quy đầu. Giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu và tự tuột hẳn ra.
Làm gì khi trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý?
Ba mẹ nên hiểu, hầu hết trường hợp hẹp bao quy đầu trẻ em là sinh lý bình thường. Tình trạng này sẽ biến mất dần khi trẻ được 3-6 tuổi, ba mẹ không cần phải làm gì ngay cả nong bao quy đầu hay cắt bao quy đầu đều không cần thiết. Ba mẹ chỉ cần lưu ý vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho trẻ.
Có không ít trường hợp tích tụ chất bợn này thành “cục” khiến nhiều phụ huynh hoang mang rằng bé bị u bướu. Tuy nhiên đây là hiện tượng sinh lý bình thường.
Những điều ba mẹ cần lưu ý:
- Không nên cố gắng tuột da quy đầu sớm để tránh tình trạng đau, chảy máu hoặc có thể làm dính quy đầu với da quy đầu và tạo sẹo ở da quy đầu, gây hẹp da quy đầu thứ phát. Việc cố gắng “tuột cho bằng được” hay lạm dụng nong bao quy đầu vừa gây đau lại ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
- Không sử dụng xà phòng thơm, bột talc hoặc chất khử mùi vì chúng có thể gây kích ứng
- Nên theo dõi bất thường ở bao quy đầu của trẻ: Thực tế nhiều bệnh nhi có trường hợp bao quy đầu viêm tái đi tái lại thành vòng xơ nhiều thì chỉ còn giải pháp phẫu thuật cắt bao quy đầu.
- Không cần thiết đưa trẻ đi cắt bao quy đầu khi cháu mới 4-5 tuổi nếu không gặp các triệu chứng như khó khăn trong tiểu tiện và viêm nhiễm trầm trọng.
Tóm lại, nếu bé đươc chẩn đoán hẹp bao quy đầu sinh lý và không thấy bé kêu đau rát, sưng tấy bộ phận sinh dục, đi tiểu nước tiểu bình thường,… ba, mẹ không nên lo lắng quá, cũng không “đụng chạm” kẻo vô tình lại gây hại cho bé, hãy cứ để con tự do phát triển, lớn lên bé sẽ hết hẹp.
1.3 Hẹp bao quy đầu bệnh lý:
Là tình trạng có sự hiện diện của sẹo xơ được hình thành do viêm nhiễm nhiều lần ở bao quy đầu bình thường hoặc bao quy đầu dài hoặc do dùng sức để tuột bao quy đầu lên trước đó. Đây là dạng hẹp bao quy đầu cần điều trị.
2. Dấu hiệu bất thường ở bao quy đầu cần đưa trẻ đi khám
Mặc dù như đã nói hầu hết bao quy đầu hẹp ở trẻ nhỏ là tình trạng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi này lớp da bao quy đầu giống như một cái túi chứa nước tiểu tồn đọng, bựa sinh dục, các chất cặn bã khác. Các chất này do khó hoặc không thể tuột lớp da xuống để rửa sạch sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển và gây ra các bệnh lý về đường tiết niệu và để lại nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Chính vì thế, ba mẹ cũng cần lưu ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ do hẹp bao quy đầu gây ra:
Bệnh đường tiết niệu: Khi hẹp bao quy đầu bệnh lý hay hẹp sinh lý gây viêm nhiễm nhiều lần khiến chất bẩn tích tụ trong nước tiểu lâu ngày và dịch nhầy đọng ở nếp da quy đầu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu. Biểu hiện đặc trưng:
- Dương vật của trẻ bị ngứa, đỏ và sưng
- Trẻ tiểu khó, phải rặn
- Nước tiểu có màu đục, mùi hôi
- Đầu dương vật của trẻ bị chảy mủ hoặc dịch bất thường
- Bao quy đầu phồng lên khi bé đi tiểu
Hẹp nghẹt da quy đầu: Trong trường hợp, da quy đầu tuột lên nhưng không đưa về vị trí bình thường được, tạo thành vòng thắt sẽ siết chặt quy đầu làm da quy đầu sưng nề, gây đau, gọi là hẹp nghẹt da quy đầu. Đây là trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngay.
Hẹp da quy đầu có thể dẫn đến ung thư dương vật… Ngoài ra, khi trưởng thành, hẹp da quy đầu có thể làm đau dương vật khi cương, cản trở quá trình cương.
3. Điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ như thế nào?
Hẹp bao quy đầu có thể được điều trị bằng những phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật như sau:
- Dùng kem thoa steroid (0,1% betamethasone) trong 4 – 6 tuần. Phương pháp này dễ áp dụng, giá thành rẻ, ít rủi ro, hiệu quả cao so với phẫu thuật.
- Nong bao quy đầu bằng tay, bằng bong bóng hoặc dụng cụ khác. Ban đầu, bác sĩ thực hiện nhưng sau đó người nhà có thể làm cho trẻ. Phương pháp này có ưu điểm là nhẹ nhàng, không gây sang chấn. Tuy nhiên, nếu nong không đúng cách có thể làm chảy máu và gây xơ dính về sau.
- Nếu bôi thuốc không hiệu quả, bao quy đầu vẫn còn hẹp, căng phồng khi đi tiểu hoặc thường xuyên bị viêm bao quy đầu, nhiễm trùng tiểu khi này các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Thông thường trẻ hẹp bao quy đầu có thể phẫu thuật cắt bao quy đầu khi con trên 6 tuổi, ít khi áp dụng cho trẻ em quá nhỏ trừ trường hợp gặp các triệu chứng như khó khăn trong tiểu tiện và viêm nhiễm trầm trọng.
Các trường hợp được bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện cắt bao quy đầu bao gồm:
- Hẹp nghẹt bao quy đầu,
- Viêm quy đầu
- Viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần hoặc vì lý do cá nhân
Ngoài ra, một số trường hợp chống chỉ định cắt như:
- Lỗ tiểu đóng thấp,
- Các dị dạng dương vật như: cong dương vật, vùi dương vật, dương vật nhỏ vì người bệnh cần dùng da quy đầu để tạo hình sửa chữa lại những dị dạng này
Hiện cắt bao quy đầu có hai phương pháp, đó là phương pháp thông thường và phương pháp cắt bao quy đầu bằng máy.
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang với thế mạnh về đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, hệ thống phòng mổ đạt chuẩn, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, thường xuyên cập nhật áp dụng các kỹ thuật cao vào điều trị đã trở thành địa chỉ y tế uy tín được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng và lựa chọn thăm khám cũng như điều trị về tình trạng hẹp bao quy đầu cho trẻ. Để nhận thông tin chi tiết lịch khám các bác sĩ ba mẹ có thể inbox về cho các kênh truyền thông bệnh viện hoặc gọi đến hotline 02583898789 (phím 0).