Bỏng là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày do các tác nhân như bỏng nhiệt, bỏng hóa chất, bỏng điện… Việc sơ cứu ban đầu tại chỗ khi bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm. Dù nạn nhân bị bỏng nhẹ hay nặng thì việc sơ cứu là rất cần thiết. Nếu vết bỏng không được sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe.
Nhận biết các mức độ bỏng
Bỏng có 3 mức độ khác nhau:
- Ở mức độ 1: nạn nhân bị đỏ, đau, sưng nhẹ, vết bỏng trở thành màu trắng khi ấn lên và da trên vết bỏng thường lột sau 1-2 ngày;
- Ở mức độ 2: vết bỏng dày hơn, da rất đỏ, sưng nhiều, loang lổ, nạn nhân cảm thấy rất đau và xuất hiện mụn nước trên da;
- Ở mức độ 3: cũng là mức độ nặng nhất, bỏng diễn ra trên vùng rộng, gây tổn thương cho tất cả các lớp da, da chuyển màu trắng hoặc chát xém. Vết bỏng có thể đau rất ít, thậm chí không đau do dây thần kinh và mô da bị tổn thương.
Sơ cứu bỏng đúng cách – Ngâm nước tối thiểu 15 phút
Trước đó, bạn cần phải nắm rõ các kỹ năng sơ cứu bỏng đúng cách. Điều này vô cùng quan trọng, giúp vết bỏng đỡ bị bỏng rát, nhanh chóng hồi phục và hạn chế tối đa những vết sẹo xấu.
Khi bị bỏng, nạn nhân cần được ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước mát tối thiểu 15 phút và tối đa 30 phút.Càng xối nước lâu thì vết bỏng càng dịu lại và khả năng lành lặn càng nhanh. Khi nào thấy quần áo tự động bong ra khỏi da thịt thì lúc đó mới cởi quần áo ra, tuyệt đối không cố cởi quần áo chỗ bị bỏng vì nhiều khi da thịt chỗ bị bỏng sẽ dính chặt vào quần áo. Nếu cởi quần áo lúc đó, khả năng quần áo sẽ kéo tuột cả da, làm tổn thương trầm trọng hơn rất nhiều.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh không được ngâm vùng bị bỏng vào nước đá vì tình trạng lạnh đột ngột có thể khiến nạn nhân bị co mạch, có thể bị bỏng lạnh. Đây là cách sơ cứu bỏng sai lầm mà rất nhiều người mắc phải.
Thậm chí, nhiều người còn có thói quen bôi kem đánh răng hoặc nước mắm khi bị bỏng vì cho rằng điều này giúp làm dịu vết thương.Tuy nhiên, thói quen sơ cứu bỏng sai lầm này có thể khiến bạn bị nhiễm trùng, tình trạng vết bỏng thêm nặng nề.
Vậy, làm thế nào để sơ cứu bỏng đúng cách? Bạn cần nắm rõ những bước sau theo gợi ý của chuyên gia:
Bỏng ở mức độ 1
- Ngâm vết bỏng vào nước lạnh ít nhất 15 phút, sau đó thoa lên vết bỏng một lớp kem dưỡng da có tác dụng bảo vệ, làm lành da như lô hội, thuốc mỡ kháng sinh.
- Sử dụng băng gạc nhẹ nhàng quấn lỏng quanh vết bỏng. Có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn.
Bỏng ở mức độ 2
- Ngâm vết bỏng vào nước ít nhất 15 phút. Có thể đắp vải ướt nhúng nước lạnh lên vết bỏng nhỏ 2-3 phút mỗi ngày, sau đó thoa thuốc mỡ kháng sinh.
- Sử dụng băng gạc khô băng vết bỏng, thay băng mỗi ngày một lần. Chú ý rửa sạch tay trước khi rửa vết bỏng.
- Kiểm tra vết bỏng hàng ngày xem có xuất hiện những dấu hiệu như sưng đau, đỏ hơn không. Không lột da từ vết bỏng để tránh nhiễm trùng, không gãi.
- Sử dụng kem chống nắng trước khi ra bên ngoài vì vết bỏng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời trong vòng 1 năm.
Bỏng ở mức độ 3
- Khi bị bỏng nặng, nên tới bệnh viện ngay lập tức. Tránh bất cứ vải vóc, quần áo nào dính vào khu vực vết bỏng, không sử dụng nhúng vết bỏng vào nước hay bất cứ loại thuốc nào bôi lên vết bỏng.
- Nâng phần bị bỏng lên cao hơn tim, có thể băng bằng băng ẩm, mát, sạch.
Lưu ý: Khi bị bỏng điện, bỏng hóa chất thì cần đến bệnh viện càng nhanh càng tốt vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới các bộ phận trong cơ thể./.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang hoạt động 24/7, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống với đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, đảm bảo năng lực tiếp nhận và xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Liên hệ ngay khi cần hỗ trợ y tế Hotline cấp cứu 0889 455 115