Bệnh Sốt xuất huyết được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại bệnh đáng quan tâm nhất do muỗi truyền. Đây là căn bệnh xảy ra quanh năm, lây truyền với tốc độ rất nhanh, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đe doạ sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính tới ngày 11/6/2022 cả nước đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết. Từ năm 2010, ASEAN đã chọn ngày 15/6 là ngày hành động phòng chống bệnh Sốt xuất huyết của khu vực. Đây là sự kiện nhằm kêu gọi mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội chung tay chống lại bệnh Sốt xuất huyết.Để phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình.
Cần phải làm gì để giảm nguy cơ bị mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue?
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho các khu vực có muỗi Aedes mang mầm bệnh lưu hành là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi – tức là tiêu diệt tại gốc.
Việc làm giảm số lượng trứng (eggs), ấu trùng/bọ gậy (larvae) và thanh trùng/loăng quăng (pupae) sẽ giảm xuất hiện muỗi trưởng thành và lây truyền bệnh. Ví dụ về khu vực sinh sống của muỗi được liệt kê như sau:
Trong nhà:
– Bẫy kiến
– Bình/chậu hoa và đĩa hứng nước của bình/chậu hoa
– Bể nước (nước sinh hoạt, phòng tắm…)
– Các thùng/hộp nhựa
– Chai/lọ
Ngoài trời:
– Chai/lọ và các hộp (đồ hộp, lon bia/nước ngọt…) phế thải
– Lốp xe cũ (ô-tô/xe máy/xe đạp) phế thải
– Các thùng tự chế
– Hốc cây, hố nước/ổ gà trên đường, các công trường xây dựng
– Lu/chum/vại chứa nước mưa
– Vỏ cây, vỏ dừa và vỏ quả khô
– Kẽ lá, gốc tre nứa quanh nhà
– Thuyền/bè, thiết bị
Các vật dụng chứa nước mưa hoặc chứa nước ăn uống sinh hoạt cần được đậy kín nắp hoặc tiêu hủy phù hợp; thau rửa thường xuyên (để loại bỏ trứng muỗi) ít nhất một lần/tuần. Khi làm như vậy sẽ ngăn chặn muỗi trưởng thành phát triển từ các giai đoạn như trứng/ấu trùng/loăng quăng.
Trên thực tế, chìa khóa để phòng chống sốt xuất huyết là sự tham gia của cộng đồng. Khi mọi gia đình có ý thức làm giảm mật độ các vật trung gian gây bệnh, thì tỷ lệ lây truyền bệnh sẽ giảm hoặc thậm chí được ngăn chặn.
Bảo vệ bản thân và gia đình
Cách tốt nhất là bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt. Có thể phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi (chứa DEET, IR3535 hoặc Icaridin). Đây là biện pháp đơn giản và phù hợp nhất.
Lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều hòa cũng làm giảm nguy cơ muỗi xâm nhập vào trong nhà.
Ngủ trong màn (mùng) (và hoặc màn/mùng tẩm hóa chất) kể cả ban ngày cũng là hàng rào bảo vệ bổ sung và cũng là biện pháp bảo vệ trước loài muỗi khác thường hoạt động vào ban đêm (muỗi gây sốt rét).
Dùng các biện pháp bảo vệ khác trong nhà để xua và diệt muỗi như phun thuốc diệt muỗi, đốt nhang/hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc/tinh dầu.