Các rối loạn tâm- thần kinh và rối loạn liên quan đến sử dụng chất (gây nghiện), phổ biến ở tất cả các vùng trên toàn thế giới, tác động đến mọi độ tuổi và cộng đồng với các mức thu nhập khác nhau.
14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu liên quan đến các bệnh rối loạn về tâm- thần kinh và sử dụng chất gây nghiện.
Trầm cảm là bệnh gây tử vong thứ 4 trên toàn thế giới và được dự báo là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong vào năm 2030.
Bệnh động kinh ảnh hưởng tới 50 triệu người trên toàn thế giới – 80% trong số họ sống ở các nước có thu nhập thấp.
Trên toàn thế giới, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở những người trẻ.
Việc sử dụng rượu/cồn ở mức độ gây hại là nguyên nhân thứ 5 của tàn tật và chết trẻ trên toàn thế giới.
Hơn 75% bệnh nhân tâm thần, động kinh và sử dụng chất gây nghiện ở các nước có thu nhập thấp không được tiếp cận điều trị.
Các bạo lực và sự kỳ thị về quyền con người gây trở ngại cho việc phục hồi, chăm sóc sức khỏe và cho việc xóa đói giảm nghèo.
Giá trị kinh tế và phi kinh tế như tiếp cận công bằng trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền con người và giảm đói nghèo cần tính đến trong quá trình sắp xếp các ưu tiên trong sức khỏe tâm thần.
Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của chúng ta. Nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2022, chúng ta có cơ hội để khơi lại những nỗ lực của mình trong việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe tâm thần.Trước đại dịch năm 2019, ước tính trên phạm vi toàn cầu, cứ 8 người thì có một người đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Trong đại dịch này, sức khỏe tâm thần đã bị tác động ở nhiều khía cạnh. Đồng thời, các dịch vụ, kỹ năng và kinh phí dành cho sức khỏe tâm thần vẫn còn thiếu và thấp hơn nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một khủng hoảng toàn cầu đối với sức khỏe tâm thần, làm gia tăng các stress ngắn hạn và dài hạn; và làm suy yếu sức khỏe tâm thần thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy cả rối loạn lo âu và trầm cảm đều tăng ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đã bị gián đoạn nghiêm trọng và khoảng trống điều trị ngày càng lớn.
Sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế ngày càng gia tăng, xung đột kéo dài, bạo lực và những tình trạng khẩn cấp khác đã ảnh hưởng đến đến toàn bộ dân số, đe dọa tiến trình cải thiện hạnh phúc. Trong năm 2021, có 84 triệu người trên toàn thế giới đã bị cưỡng bức di cư.
Với tư cách cá nhân, cộng đồng và nhà nước, chúng ta phải làm sâu sắc hơn giá trị sức khỏe tâm thần và cam kết thúc đẩy và đầu tư ở tất cả các thành phần, lĩnh vực xã hội.
Chúng ta phải tăng cường các biện pháp để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, thông qua mạng lưới các dịch vụ và hỗ trợ dễ tiếp cận và chất lượng.
Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là rào cản đối với việc hòa nhập xã hội và tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc.
Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về những biện pháp can thiệp vào sức khỏe tâm thần phòng ngừa nào hiệu quả và Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới là một cơ hội để thực hiện điều đó.
Chúng ta hình dung một thế giới trong đó sức khỏe tinh thần được coi trọng, được thúc đẩy và được bảo vệ; nơi mọi người đều có cơ hội bình đẳng để được hưởng sức khỏe tâm thần và thực hiện các quyền con người của mình; và nơi mọi người có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà họ cần.