Hưởng ứng Tháng hành động vì An toàn thực phẩm [15.4-15.5]: Một số điều cần biết về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ước tính có khoảng 600 triệu (gần 1 trên 10 người trên thế giới) bị mắc bệnh sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm và khoảng 420.000 người chết mỗi năm. Bệnh tiêu chảy là bệnh thường gặp nhất do tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm gây ra, khoảng 550 triệu trường hợp mắc bệnh và 230.000 trường hợp tử vong do tiêu chảy hàng năm. Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% gánh nặng bệnh tật do thực phẩm, với 125.000 ca tử vong mỗi năm. Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề và nguy cơ rất lớn mà các nước đang phát triển đã và đang phải đối mặt như Việt Nam.

Hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm cùng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn qua chuỗi bài viết về vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng ngừa; xử trí ngộ độc thực phẩm.

I. Một số điều cần biết về vệ sinh thực phẩm:

Đồ nhựa dùng lại:

  Chai đựng nước ngọt và nước uống đóng chai thường được làm từ nhựa PET (#1), là loại nhựa chỉ đảm bảo chất lượng cho sử dụng một lần. Một nghiên cứu của Đại học Idaho (Hoa Kỳ) cho thấy, các hóa chất được sử dụng trong chế tạo loại nhựa này có thể thôi ra và ngấm vào nước nếu chúng ta đem sử dụng lại hoặc để chai tiếp xúc với ánh nắng, nhiệt độ và thời gian. Đây là loại nhựa xốp, những chai này trong quá trình sử dụng đã bị ngấm các hương liệu và vi khuẩn mà bạn không có cách nào rửa sạch chúng được.

Bọc thực phẩm bằng báo:

  Trong mực in có các loại hóa chất, trong đó có chì. Chì sẽ bị thôi nhiễm từ báo chí sang thực phẩm. Khi theo thực phẩm vào cơ thể con người, chì khó bị đào thải mà lắng đọng lại và có thể gây hại khi đạt đến một mực độ nhất định. Ngoài ra một tờ báo thường trải qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển.

Dùng các dụng cụ đun nấu, chứa đựng thực phẩm làm bằng nhôm:

  Đồ nhôm vừa nhẹ, vừa sạch sẽ, tiện dụng. Nhưng nếu dùng các đồ nhôm được chế tạo từ nhôm phế liệu, gia công không đảm bảo công nghệ, xử lý không hết tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với tác động của môi trường… thì khi dùng đun nấu, chứa đựng thực phẩm có thể các ion nhôm sẽ thôi nhiễm vào thực phẩm và người ăn phải sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi nấu mặn, dễ tạo ra muối nhôm gây độc cho cơ thể. Dùng đồ nhôm để chứa đựng thức ăn nóng, chua (muối dưa, canh chua), mặn – bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm vào cơ thể, tích luỹ ở tế bào não, gây ra hội chứng “lú lẫn” sớm.

Bình thường, tế bào thần kinh không có ion nhôm. Nhưng nếu trong thức ăn có nhiễm ion nhôm, thì ion nhôm vốn có ái tính với các tế bào thần kinh, sẽ tích tụ tại đó và làm cho tế bào thần kinh não bị biến tính, dẫn tới chứng “lú lẫn” (ngớ ngẩn). Biểu hiện là trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường.

  Cách phòng ngừa: Không dùng đồ nhôm để đựng thức ăn qua đêm; không dùng đồ nhôm để muối dưa, đánh trứng gà, làm nộm chua, canh chua, muối mặn, nóng…; không dùng đồ nhôm gia công không đảm bảo công nghệ. Hạn chế dùng đồ nhôm để chế biến, chứa đựng thực phẩm.

Phòng thôi nhiễm ở nồi nấu bằng kim loại nói chung:

Không nên lưu trữ thực phẩm quá lâu trong các nồi đựng bằng kim loại, bất kể nhôm, gang, đồng hay inox. Bởi trong các món ăn, nhất là các món chua đều có một lượng axit nhất định. Lượng axit này sau khi được “ngâm” trong nồi sẽ làm thôi ra một lượng kim loại hoặc làm ôxy hóa lớp bề mặt vật đựng bằng kim loại. Nồng độ cũng như hàm lượng kim loại bị thôi nhiễm ra dù không nhiều nhưng lâu dần tích tụ trong cơ thể người dùng cũng sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra, cũng từ nhiều nghiên cứu khác cho thấy, nồi kim loại khi mới dùng đôi khi cũng thôi ra một lượng kim loại nhất định như Nickel, Chrome hoặc sắt. Lý do là bởi các bụi kim loại còn bám trên bề mặt sau quy trình đánh bóng. Do vậy, các nhà sản xuất khuyên người tiêu dùng, đối với nồi mới, nên cọ rửa sạch, cho nước vào nấu sôi, rửa sạch lại sau đó mới dùng.

II. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm:

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm:

  • Do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33-49%) – chủ yếu do các chủng Salmonella, E.Coli, Clostridium Perfringens, vi khuẩn Listeria.
  • Độc tố: chiếm 20-30% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Trong số này, khuẩn Staphylococcus Aureus hiện diện trong các món ăn làm bằng tay (bánh ngọt), khuẩn Clostridium Perfringens hay phát sinh trong các món được nấu nướng và hâm nóng.
  • Do thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (11-27%): CN-, As, Cl -, Hg, Pb, Benladol, hóa chất bảo quản thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật. 27% số vụ ngộ độc là do ăn phải thực phẩm còn tồn đọng hóa chất.
  • Thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (6 – 37,5%):
    • Xyanua (CN) sẵn có nhiều trong sắn, măng… (liều tử vong đối với người 50–90 mg/kg). Măng chua, trong quá trình ngâm kết hợp với một số enzym trong ruột người tạo thành HCN (axit cyanhydric), gây ngộ độc cấp tính.
    • Phytat trong ngũ cốc (hàm lượng = 2-5gr/kg), là muối của Calci Phytic. Khi nhận 1g Phytat cơ thể lập tức bị mất đi 1g Calcium.
    • Ancaloit (Solamin và Chaconin) trong khoai tây đã mọc mầm hay khi vỏ đã chuyển sang màu xanh, tiếp xúc nhiều với tia cực tím, ánh nắng mặt trời thì hàm lượng Solanin (chất gây độc) tăng lên rất cao.
    • Axít Oxalic- chất chống calci thường có ở khế, me… (5g Acid Oxalic đủ gây tử vong cho người lớn trọng lượng 70 kg).
    • Nấm mốc thường gặp trong môi trường nóng ẩm ở nước ta, nhất là ở trong các loại ngũ cốc, quả hạt có dầu dự trữ. Nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm, và còn sản sinh ra các độc tố nguy hiểm. Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong ngô, đậu và lạc ẩm mốc rất độc và có thể gây ung thư gan.
    • Histamin trong thức ăn ôi thiu.
    • Nấm độc, cá nóc, thịt cóc… với độc tố Tetradotoxin.

  Ngoài ra còn rất nhiều trường hơp ngộ độc mà không thể xác định được nguyên nhân. Theo điều tra của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy:

  • Kem ăn có 55,2% không đạt chất lượng (với 75,4% E.coli; 70,3% Staphaurens).
  • Thực phẩm đường phố ăn ngay 87,5% nhiễm vi sinh.
  • Nước giải khát lề đường 85,7% không đạt tiêu chuẩn…

Đó là chưa kể các thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch), hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học).

III. Biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các nguyên nhân gây ra bệnh do thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng. Do vậy, việc biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là một kỹ năng quan trọng mà mọi người nên nắm vững

  • Ăn đồ chín, còn hạn: Ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng
  • Tách biệt đồ sống và chín: Có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống; nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống
  • Đậy thức ăn: Khi không để tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi
  • Đun lại: Thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn
  • Bảo quản lạnh: Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường
  • Rửa tay: Bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
  • Vệ sinh bếp: Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ

Chia sẻ:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quý khách có các thắc mắc liên quan đến phương pháp điều trị, chính sách ưu đãi, biểu phí, hình thức thanh toán vui lòng để lại thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ lại.

Hoặc Quý khách có thể gọi đến tổng đài 02583.898.789 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách.

ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÀI GÒN NHA TRANG
– Lô số 10 đường 19/5, KĐT Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hoà
– Điện thoại: 0258 3898789
– Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang

THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG: THỨ 2 ĐẾN THỨ 7
– Sáng 7h00 – 11h30
– Chiều 13h00 – 16h30
– Cấp cứu 24/7: 0889455115