Như chúng ta đã biết, thuốc lá gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tổn thất về kinh tế. Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, qua đó kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khoẻ, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Hút thuốc lá làm bạn tốn tiền và phải trả giá bằng sức khoẻ
Trong khói thuốc có khoảng 7 ngàn chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp; ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.
Hút thuốc lá và hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh gây tử vong sau:
- Ung thư hệ tiêu hóa như GERD, Achalasia Cardia (tuyến tụy, dạ dày, miệng, gan, trực tràng, ruột kết và thực quản)
- Biến chứng mạch máu thần kinh và rối loạn thần kinh cùng với các bệnh liên quan đến thần kinh khác như đột quỵ, bệnh thiếu máu cục bộ mạch máu nhỏ của não (SVID) và chứng mất trí do mạch máu
- Bệnh tim
- Bệnh về phổi
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Bệnh lao
- Một số bệnh về mắt
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra hàng trăm ngàn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 40 ngàn người. Tổn thất kinh tế do 5 nhóm bệnh chính liên quan tới thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) ước tính đã gây ra con số tổn thất lên tới 1% GDP của nước ta.
Hãy chọn thực phẩm, đừng chọn thuốc lá
Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây gánh nặng tài chính cho các gia đình; chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Đừng để mình thành nạn nhân của việc nghiện chất nicotine trong thuốc lá điện tử
Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hoà tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin; thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh Nicotin, còn có Propylene Glycol và các chất tạo hương vị. Còn thuốc lá nung nóng (HTPs) là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa Nicotin – chất gây nghiện cao và các hoá chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khoẻ lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của các sản phẩm này.
>> Mối nguy từ thuốc lá điện tử
Thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Ðáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, an ninh trật tự xã hội.
Không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khoẻ. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa Nicotine vẫn là sản phẩm gây nghiện. Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khoẻ. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hoá chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. Vì thế, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng – chống tác hại thuốc lá.