Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 4,5 triệu ca tử vong sớm do viêm gan có thể được ngăn chặn ở các nước thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 thông qua tiêm chủng, xét nghiệm chẩn đoán, thuốc men và các chiến dịch giáo dục. Chiến lược viêm gan toàn cầu của WHO được tất cả các Quốc gia thành viên tán thành, nhằm mục tiêu giảm 90% ca nhiễm viêm gan mới và 65% cả tử vong từ năm 2016 đến năm 2030.
Thế giới hiện đang phải đối mặt với một đợt bùng phát mới của bệnh nhiễm trùng viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng với các nhà khoa học và hoạch định chính sách ở các quốc gia bị ảnh hưởng, đang làm việc để tìm hiểu nguyên nhân của sự lây nhiễm dường như không thuộc về bất kỳ loại vi rút viêm gan nào trong số 5 loại vi rút viêm gan đã biết: A, B, C, D và E. Cũng theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới đã ghi nhận ít nhất khoảng 300 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu tại Anh, Tây Ban Nha, Israel, Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Khu vực châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4/2022.
Đặc biệt để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, ngày 06/05/2022 Cục Y tế dự phòng đã ban hành công văn số 2480/BYT-DP về việc giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em gửi các cơ sở y tế trên cả nước về việc tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, tổng hợp tình hình các trường hợp ca bệnh nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, báo cáo ngay những trường hợp ca bệnh nghi ngờ, đề xuất các biện pháp phòng chống sự lan truyền của bệnh tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong, nội dung cụ thể là:
Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân, đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế để theo dõi, chỉ đạo kịp thời. Chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng. Ngoài ra, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan vi rút theo Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021- 2025. Tổ chức các hoạt động cao điểm hưởng ứng Ngày Phòng, chống viêm gan thế giới 28-7 hằng năm và đưa hoạt động này thành hoạt động thường niên của địa phương.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống Viêm gan 2022, WHO nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa dịch vụ chăm sóc viêm gan đến gần các cơ sở y tế ban đầu và cộng đồng hơn để mọi người có cơ hội tiếp cận điều trị và chăm sóc tốt hơn, bất kể họ mắc bệnh viêm gan nào. WHO đặt mục tiêu đạt được loại trừ bệnh viêm gan vào năm 2030. Để đạt được điều đó, WHO kêu gọi các quốc gia đạt được các mục tiêu cụ thể như: Giảm 90% các ca nhiễm mới viêm gan B và C; giảm 65% các ca tử vong liên quan đến viêm gan do xơ gan và ung thư; đảm bảo rằng ít nhất 90% người nhiễm vi rút viêm gan B và C được chẩn đoán và ít nhất 80% những người đủ điều kiện nhận được sự điều trị thích hợp.