SỐT MÒ: Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hay gặp vào mùa mưa

I. ĐẠI CƯƠNG

  Bệnh sốt mò (hay sốt bờ bụi) đã được Hippocrates mô tả vào năm 460 trước công nguyên.

  Bệnh sốt mò là bệnh sốt phát ban do Orientia tsutsugamushi gây ra và lây truyền từ động vật gặm nhấm sang người qua vết cắn của ấu trùng mò (Trombicula). Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong.

  Đây là một bệnh phổ biến ở nông thôn và rừng núi của nhiều nước trên thế giới, bệnh có liên quan đến các hành vi tiếp xúc với đất, bụi rậm như làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, săn bắn, …

  Hiện nay, bệnh vẫn còn lưu hành ở nước ta nhưng chẩn đoán dễ bị bỏ sót do không để ý đến yếu tố dịch tễ, không quan sát kỹ nốt loét và do biểu hiện lâm sàng rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác

II. TÁC NHÂN GÂY BỆNH

  Orientia. tsutsugamushi (OT) có kích thước 600 × 300nm, nhỏ hơn vi khuẩn thường. Hình dạng chúng khác nhau, tùy điều kiện ký sinh và giai đoạn phát triển, chúng có thể hình que ngắn, hoặc dạng cầu trùng xuất hiện đơn độc, xếp đôi, chuỗi ngắn, hình sợi… O. tsutsugamushi được nhận diện rõ nhất bằng cách nhuộm Giemsa, bắt màu tím, hai đầu sậm, ở giữa nhạt, giống hình vi trùng dịch hạch nhưng kích thước nhỏ hơn.

  O. tsutsugamushi thường bị tiêu diệt nhanh bởi nhiệt, sự khô ráo và thuốc sát trùng.

tác nhân gây sốt mò
O. tsutsugamushi tăng sinh trong đại thực bào ở bụng chuột (Nhuộm Giemsa)

III. DỊCH TỄ

1.Tình hình dịch tễ

  Sốt ve mò là một bệnh hay gặp ở vùng nông thôn của các quốc gia trong vùng dịch tễ, được giới hạn trong một tam giác bởi Bắc Nhật Bản, Đông Úc, Đông Nga bao gồm bán lục địa Ấn Độ, Tây Nga, Trung Quốc và miền Viễn Đông.

  Tổng cộng có khoảng một tỷ người sống trong vùng dịch lưu hành và một triệu người mắc bệnh hàng năm

  Ở Thái Lan và ở Lào, bệnh sốt ve mò cùng với nhiễm Leptospira và sốt phát ban ở chuột (murine typhus) là một trong ba nguyên nhân sốt do nhiễm trùng thường gặp nhất ở các bệnh nhân nhập viện.

  Tại Việt Nam, năm 1942 bệnh đã xảy ra trong lính Pháp, lính Việt Nam đóng ở Sơn La có 37 trường hợp mắc bệnh, từ năm 1960- 1965, mỗi năm có 30-40 ca sốt mò ở Tây Bắc.

  Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, sốt ve mò là nguyên nhân đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba trong các nguyên nhân gây sốt của lính Mỹ.

2. Yếu tố địa lý, khí hậu thuận lợi

  Vùng rừng núi có cây cối rậm rạp, đồng ruộng, vườn cây, đất mùn ẩm ướt, hang hốc núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối, dọc bờ biển…

  Nơi có nhiều thú vật mang mầm bệnh, đặc biệt là loài gặm nhấm.       Nơi có nhiều trung gian truyền bệnh, con mò Trombicula. Khí hậu ẩm và ấm thích hợp cho ve mò và ấu trùng phát triển.

  Mật độ của ấu trùng mò thay đổi theo mùa, cao nhất là vào các tháng mùa mưa ở nước nhiệt đới và các tháng có nhiệt độ cao ở những vùng khí hậu ôn đới.

  Tại Việt Nam, thời điểm thích hợp cho bệnh bộc phát vào khoảng tháng 6-9 trong năm.

3. Đối tượng nguy cơ

  Tất cả các lứa tuổi đều có thể bị sốt mò.

  Những người vào rừng lấy gỗ, làm rẫy, làm vườn, làm ruộng, làm đường xá, khai hoang, săn bắn, các đơn vị bộ đội hành quân là những đối tượng nguy cơ cao bị mò đốt. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

  Đây là yếu tố dịch tễ quan trọng giúp định hướng chẩn đoán bệnh sốt mò.

4. Nguồn bệnh

  • Loài gặm nhấm, nhất là chuột, là ký chủ chính của bệnh.
  • Con mò (Trombicula)
con mò
  •   Con mò phần lớn thuộc Leptotrompidium spp, là nguồn bệnh thứ yếu.
  •   Mò là một loại tiết túc nhỏ, thân đỏ cam, ký sinh trên chuột, đẻ trứng.
  • Chu kỳ cuộc sống của con mò gồm 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng, con trưởng thành.
  • Ấu trùng chính là trung gian truyền bệnh, ấu trùng mò suốt đời chỉ hút máu một lần.
  • Mò trưởng thành không hút máu người và các động vật khác, vì vậy ấu trùng đã hút máu vật chủ có mầm bệnh chưa có khả năng truyền bệnh ngay, mà mà đến đời sau mới có khả năng truyền bệnh.
  • Các loài mò có khả năng truyền bệnh là Leptotrompidium palladium, Leptotrompidium delhiehsis, Leptotrompidium scutellare, Leptotrompidium akamushi.

chu kỳ lây nhiễm số mò

IV. LÂM SÀNG

1.Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ này có thể từ 6 – 21 ngày (trung bình 10-12 ngày). Có nốt mò đốt như sẩn đỏ có mụn nước ở giữa, sau đó mụn nước vỡ ra, để lại vết loét nổi gờ lên mặt da, có dịch tiết, không đau, xuất hiện hạch khu vực.

Vào cuối thời kỳ ủ bệnh, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, biếng ăn.

2.Thời kỳ khởi phát

  Sốt đột ngột tăng đến 39oC – 40oC sau 2-3 ngày, tổng trạng thay đổi và các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc thần kinh rõ rệt hơn: nhức đầu, đỏ mắt, đau mỏi toàn thân, mất ngủ, lưỡi dơ.

3. Thời kỳ toàn phát

 Thời kỳ này có 4 biểu hiện lâm sàng chính:

  • Sốt kéo dài 1-3 tuần, thường sốt cao 39oC – 40oC, sốt liên tục, có khi sốt 2 đợt: nhiệt độ giảm dần cuối tuấn 1 và hết sốt, nhưng sau 1 tuần, sốt có thể tái lại 38,50C đến 390C trong vài ngày.

Nốt loét do ấu trùng mò đốt

Thường chỉ có một nốt, đôi khi 2-3 nốt, ở vị trí hay gặp bẹn, nách, đùi, bìu, vú, nếp thắt lưng quần, …

  Lúc đầu không đau, hình dạng một ban đỏ, rồi biến thành 1 nốt sẩn trung tâm bị hoại tử đóng vẩy đen, sau đó vài ngày vẩy bung ra để lại mốt nốt loét không sâu, đường kính khoảng 0,5 – 1cm, chung quanh có viền đỏ nổi gờ trên mặt da, phản ứng viêm mô xung quanh vết loét rất ít.

    Quá trình tiến triển của vết loét: 24 giờ sau tại nơi mò đốt xuất hiện mụn nước đường kính 1-2mm; 4 ngày sau mụn nước hóa đục, 5 ngày tiếp theo mụn nước bể ra, tạo vết loét nông không đau sau đó đóng mày nâu, đen. Ngày thứ 15 kể từ khi mò đốt sang thương sẽ bong vảy để lại vết loét đáy sạch khô,màu đỏ tươi có viền cứng. Vết loét liền không để lại sẹo sau tuần thứ 3 kể từ khi xuất hiện mụn nước.

  Nốt loét là một triệu chứng quan trọng gợi ý đến chẩn đoán bệnh sốt mò, nếu bệnh nhân có yếu tố dịch tễ phù hợp cần được cởi bỏ quần áo và thăm khám tỉ mỉ đề tìm sang thương da.  

nốt loét sốt mò

Nổi hạch toàn thân và gan lách to

Ngoài viêm hạch khu vực (gần nơi mò đốt), có thể gặp nổi hạch toàn thân ở giai đoạn toàn phát (nách, bẹn…). Hạch cứng, ấn đau, di động được, da trên vùng hạch không nóng, đỏ.

Gán lách có thể to và khám thấy.

Phát ban:

Thường là những nốt dát sẩn, không đau, không ngứa, xuất hiện lúc đầu ở ngực, bụng rồi lan ra chân, tay, ít khi thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, sau 4-5 ngày rồi lạt dần, bay hết. Đôi khi có dấu xuất huyết: chấm xuất huyết ở da, xuất huyết dưới giác mạc, chảy máu cam.

Các biểu hiện khác: Ở các thể nặng, có thể dẫn đến rối loạn chức năng đa cơ quan như

  • Thần kinh: Bệnh nhân lừ đừ, mất ngủ, vật vã, mê sảng, li bì, có thể viêm màng não hoặc viêm não, tổn thương thần kinh sọ não. Dịch não tủy với tế bào bạch cầu 0 – 110/mm3 (lympho bào ưu thế), đường và protein thường bình thường, có khoảng 28% trường hợp protein tăng ≥ 50 mg/dl.
  • Tim mạch: hạ huyết áp, có thể gặp viêm tắt mạch máu, viêm cơ tim.
  • Thận: tiểu ít, có albumin và có thể tăng urê huyết, suy thận.
  • Hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi mô kẽ được phát hiện trên phim X-quang, có thể dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp.
  • Tiêu hóa: táo bón sau đó tiêu chảy.
  • Xuất huyết: Ói ra máu, tiêu ra máu, ho ra máu.

4. Thời kỳ lui bệnh

  Trong giai đoạn trước kháng sinh, tỷ lệ tử vong do sốt ve mò thay đổi tùy theo vị trí địa lý từng vùng từ 1% – 35% ở Việt Nam khoảng 8%. Tuy nhiên, bệnh sốt ve mò đáp ứng rất tốt nếu được điều trị kháng sinh thích hợp, thời gian cắt sốt trung bình sau khi điều trị khoàng 48 – 72 giờ.

  Bệnh không để lại di chứng. Miễn dịch không bền vững và có thể bị tái phát.

V. CẬN LÂM SÀNG

1. Công thức máu

Bạch cầu máu lúc đầu có thể bình thường, sau đó tăng > 10.000/µL (30,9%) với bạch cầu đa nhân ưu thế, đôi khi tiểu cầu có thể giảm < 100.000/µL (45%).

2. Sinh hóa

  •   Men gan AST, ALT tăng gấp 2 – 3 lần trị số bình thường (97% các trường hợp sốt mò).
  •   CRP và Procalcitonin thường tăng trong bệnh sốt mò.

3. Huyết thanh chẩn đoán

  • Phản ứng Weil-Felix với kháng nguyên Proteus OX-K. Phản ứng này cũng sẽ cho kết quả dương tính trong bệnh thương hàn, nhiễm leptospirae.
  • Test nhanh dùng phản ứng ELISA (IgM và IgG) đã được phát triển nhưng chưa được đánh giá một cách đầy đủ về độ nhạy và độ đặc hiệu.
  • Phản ứng kháng thể huỳnh quang gián tiếp (Indirect Fluorescent Antibody: IFA): độ nhạy và đặc hiệu khá cao (xét nghiệm chuẩn của WHO, nhưng do khó về kỹ thuật, đắc tiền nên chưa áp dụng rộng).

 4. PCR (Polymerase Chain Reaction)

  Bệnh phẩm lấy từ vết loét da, máu và hạch đã được sử dụng hiệu quả trong bệnh nhiễm cấp tính. Chưa được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh sốt mò.

5. Phân lập mầm bệnh

  Lấy máu bệnh nhân thời kỳ khởi phát, tiêm vào phúc mạc chuột lang hay chuột nhắt trắng và theo dõi 3 tuần. Nếu chuột mắc bệnh sẽ chết trong vòng 10-14 ngày. Mổ xác chuột, lấy dịch ổ bụng và phết mô lách, gan, hạch lên kính, cố định bằng cồn, nhuộm Giemsa rồi soi tìm mầm bệnh.

 VI.  CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán xác định

  • Dịch tễ: Những người vào rừng lấy gỗ, làm rẫy, làm vườn, làm ruộng, làm đường xá, khai hoang, săn bắn…
  • Lâm sàng: Sốt kéo dài, nốt loét điển hình do ấu trùng đốt, nổi hạch toàn thân và gan lách to, phát ban
  • Cận lâm sàng: huyết thanh chẩn đoán sốt mò, PCR.

 2. Chẩn đoán phân biệt

  • Sốt rét
  • Thương hàn
  • Nhiễm Leptospira
  • Sốt xuất huyết Dengue
  • Nhiễm các chủng rickettsia khác
  • Nếu loét sinh dục cần phân biệt các bệnh lý loét sinh dục do bệnh lý lây qua đường tình dục đặc biệt là săng (chancre) giang mai

VIII. ĐIỀU TRỊ

1. Kháng sinh

  • Doxycycline và Chloramphenicol là hai loại kháng sinh được ưu tiên sử dụng
  • Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày trong vòng 7 – 14 ngày
  • Chloramphenicol: 500mg x 4 lần/ngày đối với người lớn 50 – 75mg/kg/ngày đối với trẻ em, uống hay tiêm mạch nếu bệnh nặng điều trị trong 7 – 14 ngày.
  • Thuốc thay thế có thể dùng:
    • Tetracycline: 500 mg mỗi 6 giờ điều trị trong 7 ngày.
    • Rifampicine: 600-900mg/ngày điều trị trong 7 ngày.
    • Azithromycine: N1: 500 – 1000 mg, N2 và các ngày tiếp theo: 500mg điều trị 3 đến 7 ngày.
    • Ciprofloxacin hiệu quả kém.

2.      Điều trị nâng đỡ

  • Cân bằng nước điện giải.
  • Săn sóc điều dưỡng tích cực, dinh dưỡng đầy đủ.

IX.   TIÊN LƯỢNG

  Bệnh diễn tiến nặng nhẹ tuỳ địa phương (tùy thuộc vào chủng O. tsutsugamushi gây bệnh), tuổi bệnh nhân

   Nguyên nhân tử vong thường do truỵ tim mạch, viêm cơ tim, xuất huyết, bội nhiễm phổi, biến chứng viêm não- màng não.

X. PHÒNG NGỪA

1.      Xử lý ổ dịch thiên nhiên

–       Phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn sạch cỏ dại.

–       Diệt chuột và các loài gặm nhấm.

2.      Bảo vệ cá nhân tránh bị ấu trùng mò đốt

  • Khi vào rừng, chú ý tránh nghỉ ở những nơi có cây cối rậm rạp, có nhiều cỏ dại, đất mùn; mặc quần áo kín, mang giày cao cổ.
  • Khi ngủ nhớ treo võng cao trên mặt đất từ 50cm trở lên
  • Không nằm trên bãi cỏ vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ.
  • Có thể sử dụng thuốc xua đuổi côn trùng

Tài liệu tham khảo :

  • Sốt mò , “ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm (Ban hành kèm theo Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)” , 60-64.
  • Bệnh học truyền nhiễm – Bộ môn Truyền nhiễm HVQY. 2002.
  • Infectious Diseases – Gorbach et al 2005.

Chia sẻ:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quý khách có các thắc mắc liên quan đến phương pháp điều trị, chính sách ưu đãi, biểu phí, hình thức thanh toán vui lòng để lại thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ lại.

Hoặc Quý khách có thể gọi đến tổng đài 02583.898.789 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách.

ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÀI GÒN NHA TRANG
– Lô số 10 đường 19/5, KĐT Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hoà
– Điện thoại: 0258 3898789
– Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang

THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG: THỨ 2 ĐẾN THỨ 7
– Sáng 7h00 – 11h30
– Chiều 13h00 – 16h30
– Cấp cứu 24/7: 0889455115