Suy giãn tĩnh mạch chi dưới được xem như là bệnh lý thời đại bên cạnh bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường khi tần suất mắc bệnh tăng nhanh trong dân số, có xu hướng tăng cao ở người trẻ trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), suy tĩnh mạch thường gặp chiếm khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.
Bệnh có diễn tiến và triệu chứng âm thầm, vì vậy, hiện nay có nhiều ca bệnh để lại biến chứng nguy hiểm vì không được phát hiện kịp thời.
Yếu tố tiên quyết trong điều trị suy giãn tĩnh mạch là tầm soát sớm, điều trị sớm ngay từ giai đoạn đâu sẽ có cơ hội chặn dứt hoàn toàn bệnh lý, đồng thời điều trị thẩm mỹ đạt hiệu quả tối ưu. Cùng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tìm hiểu bệnh lý qua sự giải đáp của Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Như Quốc Hùng – Chuyên gia Lồng ngực Mạch máu tại bệnh viện.
1. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?
Bình thường, máu tĩnh mạch từ chân chảy về tim theo một chiều từ dưới đi lên (ngược với chiều trọng lực khi ở tư thế đứng) là nhờ hệ thống van tĩnh mạch, lực ép của khối cơ cẳng chân, lực hút được tạo ra do hoạt động của tim và lồng ngực. Khi hệ thống van một chiều không còn giữ được chức năng này và tạo ra dòng máu trào ngược qua van theo trục các tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé hay tĩnh mạch sâu xuống chân gây ra tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra, có thể xảy ra ở từng vùng hoặc toàn bộ chân.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân, dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Hậu quả là người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm…. Thậm chí, những trường hợp nặng gây giảm tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn.
Các biến chứng do Suy giãn tĩnh mạch chi dưới gây ra như:
Biến chứng cấp của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới:
- Huyết khối tĩnh mạch nông hoặc viêm tĩnh mạch nông.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tĩnh mạch sâu.
- Vỡ giãn tĩnh mạch.
Biến chứng mạn của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới:
- Sự chậm lại trong tuần hoàn tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch, gây ra biến chứng trên da như viêm da cơ địa, phù hoặc ngứa trên chân.
- Rối loạn dinh dưỡng da và mô dưới da
- Loét ở chân, đây là biến chứng đáng sợ nhất và là giai đoạn cuối của bệnh. Thường xuất hiện vết loét ở mắt cá chân, có thể đi kèm với phù. Nếu không được điều trị, loét trở nên mạn tính. Nó không lành và gây ra nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và, trong một số trường hợp hiếm, biến đổi ung thư.
2. Các yếu tố nguy cơ của giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch chân được xem như là bệnh lý thời đại bên cạnh bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường khi tần suất mắc bệnh tăng nhanh trong dân số. Bên cạnh yếu tố về tuổi tác thì suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý thường gặp ở những người có đặc thù công việc ngồi lâu, đứng quá lâu trong thời gian dài. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể kể đến như:
- Người lớn trên 50 tuổi;
- Người lao động phải đứng nhiều giờ, nhiều ngày;
- Những người phải ngồi nhiều một chỗ như bán hàng, ngồi làm việc do đặc thù nghề nghiệp
- Những người thường xuyên mặc quần quá chật, bó sát hai chân hoặc đi giày cao gót thường xuyên
- Phụ nữ mang thai nhiều lần, sử dụng thuốc ngừa thai liên tục hay cũng có thể bố mẹ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân…
Họ đều là những đối tượng có nguy cơ của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới.
3. Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Trước khi xuất hiện các tĩnh mạch giãn, suy tĩnh mạch chi dưới có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác như:
- Cảm giác nặng bắp chân.
- Cảm giác khó chịu hoặc co giật bắp chân.
- Cảm giác bất thường (nóng rát, điện giât, dị cảm…) ở chi dưới.
- Ngứa, chuột rút trong bắp chân, thường xảy ra vào ban đêm.
- Phù mắt cá, bắp chân hoặc đùi, tăng lên khi nhiệt độ nóng, mất khi nằm, chân được nâng lên.
- Tĩnh mạch mạng nhện: là mạng lưới các mạch máu nhỏ, màu đỏ, dưới da, đôi khi có dạng hình sao.
Những triệu chứng này giảm đi khi nằm, khi chân được nâng lên, khi tiếp xúc với lạnh hoặc khi tập thể dục. Ngược lại, chúng tăng lên trong suốt ngày, khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng (phòng xông hơi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sưởi ấm sàn nhà…), khi đứng hoặc ngồi lâu, khi tăng cân, khi mang thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
Ở giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch, người bệnh có thể quan sát thấy sự giãn nở của một hoặc nhiều tĩnh mạch, ban đầu chúng là mảnh vải mong manh (dưới 3 mm đường kính). Sau đó, chúng trở nên rõ ràng hơn và có màu xanh da trời và uốn cong, có thể cảm nhận được dưới da của bắp chân hoặc đùi.
Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể xuất hiện các vết loét, hoại tử bàn chân, cẳng chân.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm, hiện nay các bác sĩ phân chia giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng dựa vào bảng phân loại CEAP, trong đó giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng trên lâm sàng được phân thành C1-C6 như sau:
- C1: Giãn tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới
- C2: Giãn tĩnh mạch lớn dưới da >3mm
- C3: Phù
- C4: Biến đổi cấu trúc da và mô dưới da (chàm)
- C5: Loét có thể lành
- C6: Loét không lành
4. Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch
Để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch nên thực hiện những điều sau:
- Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu,
- Khi nằm nghỉ, ngủ nên kê chân cao bằng một chiếc gối mềm.
- Hàng ngày nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Một việc làm có thể thực hiện dễ dàng trước khi đi ngủ buổi tối là xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm từ 15- 20 phút mỗi ngày.
- Phụ nữ cần hạn chế đi giày cao gót hoặc hạn chế mặc quần bó sát người và hạn chế sử dụng thuốc tránh thai dài ngày (nên thay đổi biện pháp tránh thai cho phù hợp do bác sĩ chuyên khoa tư vấn).
- Hàng ngày ăn nhiều chất xơ, vitamin và uống nhiều nước.
5. Điều trị
Tùy vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh cũng như thể trạng hiện tại của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất như:
- Điều trị nội khoa
- Chích xơ tạo bọt dưới hướng dẫn siêu âm
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng laser hay RFA
- Keo tĩnh mạch VenaSeal
- Vớ áp lực
Thăm khám và điều trị suy tĩnh mạch chi dưới tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang, khách hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng chuyên môn cũng như chất lượng dịch vụ. Tại bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân như: Điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc đốt sóng cao tần nội mạch nhằm loại bỏ tĩnh mạch nông bị bệnh… giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.