Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp hay còn có tên gọi dân gian là lên tăng-xông là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch.
Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Nguyên nhân
Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và thứ phát. “Tăng huyết áp nguyên phát” chiếm 90–95% số ca tăng huyết áp, dùng để chỉ các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn). Khoảng 5–10% số ca còn lại (tăng huyết áp thứ phát) có nguyên nhân là một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim, và hệ nội tiết.
Biến chứng
Biến chứng thường thấy của tăng huyết áp là cơn đau thắt ngực, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, rối loạn tiền đình, tăng áp động mạch võng mạc, mù lòa… Vì vậy, việc điều trị và kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng.
Triệu chứng
Có rất nhiều trường hợp bị tăng huyết áp nhưng không biết vì không có biểu hiện nào khác thường, bệnh tăng huyết áp diễn biến âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề
– Nhức đầu | – Đau ngực |
– Mệt | – Hồi hộp |
– Khó thở | – Mất ngủ |
– Dấu ruồi bay | – Nóng bừng mặt |
Phòng ngừa & Điều trị
Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc cần sự tuân thủ lâu dài của người bệnh. Thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và ở cơ sở y tế, chỉnh liều thuốc hạ áp một cách thích hợp, để đạt mục tiêu huyết áp chấp nhận được.
Thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc là 2 biện pháp song song không thể tách riêng. Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu béo phì, giảm ăn muối và chất béo bão hòa, giảm lượng calo trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và bổ sung calci, kali
Hiện nay, việc đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Mỗi lần đo huyết áp cần đo hai lần liên tiếp, cách nhau khoảng 1 phút ở tư thế ngồi.
- Cần đo huyết áp 2 lần trong một ngày, tốt nhất là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.
- Cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4 lần trong một ngày, lý tưởng là 7 ngày. Loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (≥135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán