Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis – RA) là một bệnh lý khớp mãn tính thường gặp, đồng thời là một bệnh tự miễn điển hình với các biểu hiện toàn thân, tại khớp và ngoài khớp ở nhiều mức độ khác nhau, diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, cần điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để hạn chế tàn phế.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh: viêm màng hoạt dịch ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng, diễn biến kéo dài, tiến triển từng đợt, xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp, dính khớp và mất chức năng vận động của khớp. Thường gặp ở nữ giới (75%), lứa tuổi từ 30 – 60 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh: Trên thế giới 1 – 3 % dân số người lớn (>15 tuổi). Ở Việt Nam: 0,55 % dân số người lớn (>15 tuổi). Thời gian vừa qua, BVĐK Sài Gòn Nha Trang đã phát hiện và điều trị 210 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
1. Nguyên nhân
Bệnh viêm khớp dạng thấp nguyên nhân chưa xác định rõ, bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, tấn công mạnh mẽ vào những tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể. Tình trạng này có thể liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch và sự tác động của các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, các loại nấm).
2. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp
Các biểu hiện đặc trưng nhất là viêm cứng đau nhức nhiều khớp đối xứng thường gặp ở khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay và chân, khớp khuỷu tay, khớp gối, khớp vai…
Chẩn đoán chủ yếu bằng các tiêu chuẩn lâm sàng và kết quả xét nghiệm:
1/ Yếu tố dạng thấp (RF) (+) trong 60 – 70 %. Anti CCP (+) trong 75 – 80 % bệnh nhân.
2/ Các chất phản ứng viêm tăng (CRP và VS).
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh các bệnh viêm khớp tái phát thường gặp: Viêm khớp Gout, Thoái hoá khớp…
Nếu không được chẩn đoán sớm và không được điều trị đúng phát đồ, bệnh tiến triển tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp, dính khớp và mất chức năng vận động của khớp
3. Điều trị viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp chỉ có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phát đồ. Do đó, thường ở người phụ nữ trung niên đau sưng cứng khớp tái phát kéo dài, cần lưu ý để có thể kịp thời phát hiện sớm bệnh. Điều trị sớm, dài hạn, tích cực, toàn diện và thường xuyên theo dõi diễn tiến bệnh định kỳ để điều chỉnh phát đồ điều trị kịp thời sẽ mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân.
3.1 Điều trị chủ yếu với thuốc
Điều trị chủ yếu với thuốc làm thay đổi hoạt động của bệnh bằng các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm DMARD, đây là nhóm thuốc có vai trò quan trọng, có thể điều trị “tận gôc” bệnh viêm khớp dạng thấp. Thường dùng DMARD kinh điển (thường phối hợp methotrexate liều từ 10-20mg mỗi tuần và hydroxychloroquine 200mg mỗi ngày), tùy theo mức độ bệnh, sẽ dùng liều thuốc thích hợp và thời gian điều trị kéo dài mang lại hiệu quả cao.
– Có thể điều trị kết hợp với các DMARDs sinh học khi bị viêm khớp dạng thấp thể nặng, không đạt hiệu quả sau 6 tháng khi đã sử dụng các DMARDs kinh điển.
– Trong thời gian để chờ đợi các thuốc DMARD phát huy tác dụng (trung bình 3 tháng), nên sử dụng thuốc kháng viêm được coi là điều trị “bắc cầu”. Trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát có thể dùng thuốc kháng viêm ức chế ưu thế COX2 (Celecoxib 200 – 400mg mỗi ngày thường được dùng vì ít tác dụng phụ). Trường hợp bệnh trung bình và nặng: Methylprednisolon liều dùng 16mg-32mg mỗi ngày. Sau khi tình trạng viêm khớp cải thiện cần giảm dần liều methylprednisolon và ngưng hẳn (trung bình 1-2 tháng), có thể thay thế Methylprednisolon tiếp tục bằng thuốc kháng viêm ức chế COX2 (celecoxcib) khi còn triệu chứng viêm.
– Tùy theo mức đọ tiến triển của bệnh mà tăng hoặc giảm liều thuốc. Sau 1 năm nếu bệnh tạm ổn có thể ngưng Hydroxychloroquine. Methotrexate giảm liều dần (mỗi 3 tháng) và duy trì liều tối thiểu có hiệu quả. Methotrexate liều tối thiểu (5mg) kéo dài liên tục nhiều năm thậm chí suốt đời. Một số ít bệnh nhân có thể ngừng hẳn methotrexate.
– Bổ sung thêm acid folic, calci D3, Omega 3 và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa có thể kèm theo như thoái hóa khớp, loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng acid uric máu…
3.2 Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng
Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Luyện tập và vận động tại nhà.Tắm suối khoáng. Chườm nóng. Tắm biển phơi nắng…góp phần điều trị tốt hơn
3.2 Chế độ ăn uống
Theo một số nghiên cứu, chế độ ăn uống nhiều rau xanh, dầu ô liu, cá béo có thể hỗ trợ giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể, tránh tiêu thụ một số loại thực phẩm có thể gây viêm, chẳng hạn như thịt đỏ, sữa, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn quá mặn, đường, rượu và các chất kích thích khác. Ngoài ra, tránh hút thuốc và cần vệ sinh tốt răng miệng để ngăn ngừa các biến chứng liên quan.
Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài và theo dõi trong suốt quá trình điều trị: Xét nghiệm định kỳ: CTM, VS, Creatinine, SGOT, SGPT mỗi 2 tuần trong một tháng đầu, mỗi tháng trong 3 tháng đầu, sau đó mỗi 3 tháng. Có thể xét nghiệm máu đột xuất, Chụp XQ Phổi … khi cần, theo diễn biến của bệnh.
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn và viêm mạn tính cần có quá trình theo dõi điều trị lâu dài nhiều năm. Thời gian qua, tại BVĐK Sài Gòn Nha Trang đã phát hiện rất nhiều bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp và được điều trị theo phát đồ Bộ Y tế đa số đạt kết quả tốt. Cần tư vấn cho bệnh nhân phát đồ điều trị bệnh lâu dài. Một số người bệnh không kiên nhẫn và có thể bỏ sử dụng thuốc vì lo lắng đến các tác dụng phụ của thuốc, khi đó bệnh tiến triển nặng hơn và điều trị sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên sử dụng thuốc đúng theo theo phát đồ điều trị và được bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp theo dõi là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng và sẽ phòng được ngừa các biến chứng nặng có thể dẫn đến tàn phế ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống.
Thầy thuốc ưu tú – BS CKII Nguyễn Thành Hưng