Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày, gần 4.400 người tử vong vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao thứ hai sau COVID-19, trước cả bệnh HIV/AIDS. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.
Khoảng 25% dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn. Những người khỏe mạnh nhiễm vi khuẩn lao có khoảng 5-10% nguy cơ chuyển thành thể hoạt động. Bên cạnh đó, những người mắc lao thể hoạt động có thể lây truyền cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần. Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp và đủ thời gian.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay có chủ đề “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” (Yes! We can end TB), như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng việc “thanh toán” bệnh lao là hoàn toàn có thể.
Trong Chiến lược chấm dứt bệnh lao đến năm 2025, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 là giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%.
Đa số các mục tiêu chấm dứt bệnh lao hiện chưa đạt được, song tiến bộ đã được ghi nhận tại một số khu vực trên thế giới. Theo Chủ tịch Liên minh toàn cầu phát triển thuốc chữa trị bệnh lao (TB Alliance) Mel Spigelman, nếu có nhiều nguồn lực như chiến dịch chống COVID-19, thế giới hoàn toàn có thể xóa bỏ bệnh lao.
“Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao,” chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm nay mang đến niềm hy vọng và nguồn năng lượng tích cực, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ trong công tác phòng chống lao.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 – WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh và 12.000 người tử vong do lao (số liệu năm 2021), Việt Nam cũng chọn chủ đề “Việt Nam chiến thắng bệnh lao” cho Ngày thế giới phòng chống bệnh lao năm 2023. Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Vì vậy mỗi chúng ta cần hiểu rõ về bệnh Lao và biết cách phòng tránh.
- Những dấu hiệu của bệnh lao phổi:
Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác:
– Ho ra máu;
– Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm;
– Đau tức ngực;
– Gầy sút cân
Các biện pháp phòng, chống bệnh lao là:
– Tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh, tốt nhất là trong vòng tháng đầu tiên sau sinh.
– Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và triệt để cho người mắc bệnh lao. Người bệnh phải đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc đờm bừa bãi.
– Luôn vệ sinh môi trường sống, tạo điều kiện để không khí được lưu thông.
– Tất cả những người đang mắc bệnh lao cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị Lao
Người bệnh cần tuân thủ điều trị: Đúng, Đủ, Đều (Thuốc chữa lao được cấp miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam hay chữa trị tại phòng khám tư).